Nước giải khát bình dân dự báo tiếp tục 'hốt bạc' đến hết hè 2024

Thị trường sản phẩm 'giải nhiệt' vẫn khó giảm sức mua trên thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là những loại nước giải khát bình sẽ 'hốt bạc' với doanh số tăng đột biến.

Mặc dù cơn mưa đầu mùa đã “giải nhiệt” một số quận, huyện, nhưng dự báo thời tiết nắng nóng vẫn tiếp diễn trên địa bàn tại Tp. Hồ Chí Minh đến hết hè 2024. Theo đó, thị trường sản phẩm “giải nhiệt” vẫn khó giảm sức mua trên thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là những loại nước giải khát bình sẽ “hốt bạc” với doanh số tăng đột biến so với những thời điểm bình thường trong năm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Thủy Tiên, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, bình thường gia đình ưu tiên uống nước đun sôi để nguội hoặc các loại nước suối đóng chai trên thị trường, nhưng từ đầu mùa nắng nóng năm nay phải sử dụng thêm các loại nước giải khát. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn thực phẩm như hạn chế tiêu dùng chất béo, chất ngọt… nên cũng như nhiều người tiêu dùng khác, gia đình thường sử dụng một số loại nước giải khát bình dân nhưng tự nhiên như nước mía, cam vắt, bưởi ép…
Theo chị Thủy Tiên, tại Tp. Hồ Chí Minh, người dân không khó mua đa dạng nước giải khát vì ngoài hàng quán, chuỗi cửa hàng cà phê - bánh ngọt… thì trên nhiều tuyến đường khắp các quận, huyện đều có thể bắt gặp quầy, xe nước mía, rau má, cam vắt, bưởi ép, trà các loại… Tại những điểm kinh doanh này, giá bán nước giải khát cũng tương đối bình dân như nước mía có giá phổ biến 10.000 đồng/sản phẩm, nước mía thơm 15.000 đồng/sản phẩm, rau má 12.000 đồng/sản phẩm… theo hình thức ly mang đi; còn một số loại nước nước rau củ, quả ép đơn chất hoặc hỗn hợp như cam, bưởi, cà rốt, thơm, rau xanh các loại… theo hình thức đóng chai có giá dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/sản phẩm.
Tương tự, anh Thiên Thơ, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, mỗi ngày thường có thói quen thưởng thức cà phê hoặc trà vào buổi sang, nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài nên cũng phải tìm đến những loại nước giải khát để giải nhiệt. Đối với dân văn phòng, thì phổ biến là đặt hàng theo nhóm, gom đơn hàng… để tiết kiệm phí giao hàng, áp dụng mã giảm giá, thụ hưởng chương trình khuyến mãi…
Anh Thiên Thơ cũng chỉ ra rằng, vì nước giải khát bình dân cũng là một trong những sản phẩm dễ gây ngộ độc thực phẩm nếu vận chuyển và bảo quản không đúng cách, nên người tiêu dùng phải lựa chọn điểm bán uy tín nếu sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến (online). Hiện nay, nhiều loại nước giải khát bình dân cũng được đơn vị kinh doanh, điểm bán đầu tư cửa hàng, quầy hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ghi nhận thực tế trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, những loại nước giải khát bình dân kể trên được kinh doanh phổ biến với hình thức ly mang đi hoặc đóng chai, hạn chế sử dụng túi/bịch nilon như trước đây; trong đó, đối với ly mang đi thì sản phẩm được đóng nắp kín, ép chân không miệng ly bằng màng bao thực phẩm; còn đối với chai nhựa và chai thủy tinh đóng nắp kín bằng thiết bị đóng chai chuyên dụng. Hầu hết sản phẩm này sau khi chế biến đều được bảo quản ở nhiệt độ mát, lạnh tùy theo loại; riêng một số loại nước giải khát như nước mía, cam vắt… nhiều đơn vị kinh doanh chỉ chế biến tại chỗ khi có khách hàng mua.
Theo bà Minh Anh, chủ cửa hàng cà phê, nước giải khát trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, gần hai tháng nay cửa đầu đầu tư thêm quầy nước giải khát vì thấy nhu cầu thị thường tăng cao. Trước đây, tại cửa hàng ngoài kinh doanh cà phê các loại, cũng có bán một số loại nước giải khát đóng chai của nhiều công ty như nước suối, trà xanh 0 độ, sâm bí đao, chanh muối… nhưng trong mùa nắng nóng năm nay khách hàng có xu hướng tìm mua, tiêu dùng nước giải khát tự nhiên từ rau củ, quả…
“Hiện tại, doanh số của quán duy trì ở mức tăng gấp đôi và ba lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhờ vào quầy nước giải khát mới mở. Đặc biệt, nhiều khách hàng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các loại nước giải khát tốt cho sức khỏe như nước chanh tươi, chè dưỡng nhan, mía lao… nhà nấu”, bà Minh Anh cho biết thêm.
So sánh với doanh số bán hàng cùng kỳ năm ngoái, nhiều đơn vị kinh doanh nước giải khát bình dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tăng cao hơn nhiều lần và dự báo sẽ duy trì mức tăng này cho đến mùa hè năm 2024. Về giá cả, tùy theo chất lượng và số lượng mà mỗi đơn vị kinh doanh niêm yết khác nhau, nhưng nhìn chung nếu đơn vị kinh doanh niêm yết giá chênh lệch cao quá so với mặt bằng chung của thị trường sẽ không thu hút được người tiêu dùng.
Hơn thế nữa, một số đơn vị kinh doanh phân tích, bên cạnh chất lượng sản phẩm thì giá cả luôn là yếu tố quan trọng trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng, chứ không riêng gì mặt hàng nước giải khát. Người tiêu dùng có thể chi trả nhiều hơn cho sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm từ nguyên liệu chế biến cho đến bảo quản, nhưng sẽ không quay lại lần nữa với sản phẩm kém chất lượng về cả dinh dưỡng lẫn bao bì bảo quản.
Cụ thể, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, nhóm mặt hàng thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn luôn thuộc nhóm khó bảo quản và nguy cơ cao về đảm bảo an toàn thực phẩm, nên đơn vị kinh doanh cần đầu tư thiết bị hiện đại hoặc kiểm soát quy trình chế biến an toàn chất lượng. Điển hình, các loại như nước mía, thơm, rau má… sau khi chế biến nên sử dụng tại chỗ, bảo quản lạnh và sử dụng trong ngày; một số loại nước ép, nấu chín có thể sử dụng từ 1 đến 3 ngày, nhưng phải bảo quản theo đúng chế độ nhiệt độ.

Ở góc độ chuyên ngành, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam cho rằng, thời tiết nắng nóng dẫn đến sức mua một số mặt hàng “giải nhiệt” tăng cao thì giá cả biến động là tất yếu. Theo cơ chế thị trường, yếu tố giá cả cũng bị tác động bởi cung – cầu trên thị trường, nên khi sức mua tăng đột biến mà nguồn cung chưa kịp thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thì giá cả sẽ tăng lên nhưng chỉ tập trung ở những mặt hàng hút hàng, chứ không phải tất cả.
Bên cạnh đó, không chỉ thời tiết nắng nóng thúc đẩy thị trường tiêu dùng sản phẩm “giải nhiệt” mà biến đổi khí hậu, ngập mặn… cũng đang tác động đến chất lượng lẫn nguồn cung các mặt hàng rau củ, quả Việt Nam. Chính vì vậy, trong ngắn hạn, cùng với nhóm sản phẩm giải khát tự nhiên, người dân có thể chuyển sang sử dụng nhóm mặt hàng như OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được sản xuất chế biến từ nông sản địa phương như mật dừa nước, bột rau má…
Để giải bài toán tăng năng suất và ứng phó với biến đổi khí hậu, Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp giải quyết tình trạng tình trạng ngập mặn, không thể nào đối phó với hạn mặn từng năm, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, với vấn đề biến đổi khí hậu thì dự báo thời gian tới tình hình mặn xâm nhập ngày càng nặng hơn, Hiệp hội cũng đề xuất cần có đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống lọc nước... giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống thì sản xuất mới hiệu quả.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nuoc-giai-khat-binh-dan-du-bao-tiep-tuc-hot-bac-den-het-he-2024/332321.html