Ổn định hơn cho an sinh

Từ chuyện hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, phát triển mạng lưới y tế cơ sở… cho đến xây dựng tuyến đường cấp thiết, ở vùng xa và cuối cùng là quan tâm đến hoạt động lễ nghĩa trong câu chuyện nghĩa tử là nghĩa tận. Tất cả những chính sách ấy được thông qua tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XI vừa qua đều hướng đến mục đích góp phần ổn định hơn cho an sinh trên địa bàn tỉnh.

1. Trong nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật cho thành phố Phan Thiết lên đô thị loại 1 vào năm 2030, tiêu chuẩn về nhà tang lễ có vẻ khó thực hiện nhất. Vì đây là lĩnh vực mới lạ lại phụ thuộc vào thói quen, nhận thức của người dân. Hơn nữa, dự án Nhà tang lễ tỉnh đã được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư từ năm 2018 và được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt lẫn phê duyệt điều chỉnh dự án lần lượt vào năm 2019 và 2021, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai. Từ sự kéo dài chuyển tiếp qua 2 giai đoạn đầu tư công là 2016- 2020 và 2021-2025 và tình hình cho thấy sẽ tiếp tục chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 – 2030 nên nhà tang lễ trở thành dự án mà mới nghe qua, tưởng khó đầu tư. Thế nhưng, khi tìm hiểu ra thì mấu chốt vấn đề lại nằm ở chỗ là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư bị vướng kéo dài.

Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế. Ảnh N. Lân

Trong kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua dự thảo nghị quyết về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà tang lễ tỉnh Bình Thuận. Và chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất cho triển khai dự án đúng kế hoạch đặt ra đã trở thành kiến nghị nhấn mạnh từ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Thực tế, chính sự kéo dài này đã khiến thiết kế nhà tang lễ trước đây không còn phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế hiện nay nên phải điều chỉnh lại quy mô dự án cho phù hợp theo Thông tư số 01/2021 của Bộ Xây dựng. Cụ thể, theo quy định nhà tang lễ: Diện tích nhà tang lễ được xác định dựa trên quy trình tổ chức tang lễ và tục lệ mai táng tại địa phương nhưng phải đảm bảo phục vụ được tối thiểu 4 đám tang/ngày; điều chỉnh quy mô và công năng một số phòng chức năng cho phù hợp với quy định hiện hành và công tác tổ chức lễ tang, dẫn đến tăng quy mô về diện tích xây dựng, tăng thêm thiết bị… Theo đó, nhà tang lễ tỉnh được xây dựng tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết có tổng vốn hơn 84,5 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, cuối giai đoạn 2021-2025 và chuyển tiếp 2026-2030. Mục tiêu đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức tang lễ cho người từ trần trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường tiểu học La Dày, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N.Lân

2. Cũng trong khuôn khổ kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XI còn thông qua mấy dự thảo nghị quyết khác trên các lĩnh vực nhưng đều hướng đến đích chung là giúp người dân nghèo, có hoàn cảnh, người dân ở vùng nông thôn có thể tiếp cận, thụ hưởng được những hỗ trợ mà trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại tương tự như một sự tiếp sức. Trước hết, trong thời gian tới, học sinh ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh sẽ được hoàn trả phần chênh lệch tăng thêm giữa mức thu học phí năm học 2023 - 2024 so với mức thu học phí của học kỳ II năm học 2021 - 2022. Theo đó, ngân sách địa phương bao gồm cả tỉnh và cấp huyện sẽ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục để chi trả hơn 215 tỷ đồng. Bên cạnh cũng quy định mức đóng học phí của năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí của học kỳ II năm học 2021 -2022, tức thời điểm chưa tăng học phí theo Nghị quyết 05/2023 của HĐND tỉnh ban hành theo Nghị định 81/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Học sinh TH Hàm Cần trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh N. Lân

Chưa hết, những người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 2020, mà hiện giờ các xã này không còn trong danh sách trên của giai đoạn 2021-2025 vốn được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng trong 36 tháng kể từ ngày 1/11/2023 thì bây giờ được tỉnh hỗ trợ thêm 15% mức đóng bảo hiểm y tế nữa. Tính ra, ngân sách tỉnh hỗ trợ 15% trong 29 tháng với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho người dân ở vùng này là 85%, người dân chỉ góp 15% nữa. Điều này như nhận định của UBND tỉnh là góp phần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng về tài chính, nếu không may ốm đau, bệnh tật, vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Không chỉ thế, người dân ở vùng khó khăn trong tỉnh còn được thụ hưởng chăm sóc y tế, khi Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tại tỉnh triển khai với tổng hơn 96,2 tỷ đồng với nguồn vốn kế hoạch từ 2 năm 2023, 2024. Ở diễn biến khác, người dân ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, nơi giáp ranh với Lâm Đồng sẽ được đi lại thuận lợi, mở ra cơ hội làm ăn, khi tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.717 (đoạn từ ngã ba P’Lao đến giáp tỉnh Lâm Đồng). Tương tự, với nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường tránh ĐT.719 và cầu qua Sông Dinh, thị xã La Gi, sự xuất hiện của tuyến đường này không chỉ hoàn thiện hệ thống giao thông của thị xã La Gi và huyện Hàm Tân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, chủ đầu tư dự án Nhà tang lễ tỉnh, với khu vực xây dựng công trình Nhà tang lễ với diện tích 10.364,1m2 thì nhu cầu tái định cư là 30 lô, gồm 20 lô hộ chính, 10 lô hộ ghép. Đối với phần đất thu hồi làm đường vào Nhà tang lễ có diện tích thu hồi là 6.412,6m2, nhu cầu tái định cư là 24 lô, gồm 16 lô hộ chính, 8 lô hộ ghép. Thành phố Phan Thiết đang lập quy hoạch phân lô để bố trí tái định cư cho dự án Nhà tang lễ tỉnh tại khu đất 5.153,2m2 đường Phan Đình Giót, phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/on-dinh-hon-cho-an-sinh-118935.html