Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) có 28 dân tộc anh em đến từ 40 tỉnh, thành trên cả nước, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng và nét đặc trưng riêng.
Chính vì vậy, việc giữ gìn bền vững những giá trị văn hóa của các DTTS trên địa bàn huyện luôn là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm, triển khai trong những năm qua.
Đến với huyện Đăk Hà trong những ngày này, tôi có cơ hội tham dự chuỗi sự kiện “Đăk Hà ngày mùa” - hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Đăk Hà. Trong chuỗi hoạt động, đối với tôi, ấn tượng nhất có lẽ là Đêm giao lưu, trình diễn cồng chiêng- xoang và nhạc cụ các DTTS trên địa bàn. Với sự tham gia của gần 300 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian, các đội cồng chiêng – xoang các lứa tuổi trên địa bàn huyện.
Trong Đêm giao lưu, các nghệ sĩ, nghệ nhân mang đến những bài cồng chiêng - xoang đặc sắc, ấn tượng; tái hiện các nghi thức dân gian, các lễ hội truyền thống của người Ba Na, Xơ Đăng: Mừng chiến thắng, mừng nhà rông mới, mừng ăn lúa mới; tái hiện lại các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày của bà con dân làng: giã gạo, đánh bắt cá tôm ở sông, suối; tái hiện nét đặc sắc trong văn hóa các dân tộc phía Bắc (Thái, Nùng...) như múa sạp, rượu ghè nếp cẩm, trang phục thổ cẩm.
Điểm nhấn trong Đêm giao lưu còn có 14 gian hàng “Phiên chợ ngày mùa”. Các gian hàng được trang trí với chủ đề về văn hóa, truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện, mang hình ảnh về đời sống, tinh thần của bà con đến gần hơn với du khách. Đồng thời, các gian hàng cũng giới thiệu và bày bán các mặt hàng nông sản của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Bên cạnh các mặt hàng nông nghiệp truyền thống, có nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Đêm giao lưu, trình diễn cồng chiêng- xoang và nhạc cụ các DTTS trên địa bàn huyện chỉ là một trong số rất nhiều các hoạt động văn hóa được huyện Đăk Hà tổ chức trong những năm qua. Qua các hoạt động, huyện Đăk Hà tạo môi trường để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian DTTS giao lưu, học hỏi, thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, con người của địa phương.
Bên cạnh các hoạt động được tổ chức, huyện Đăk Hà chú trọng, duy trì hiệu quả các mô hình CLB dân gian trên địa bàn. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Chúng tôi đến với thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà) để tìm hiểu về CLB văn hóa dân gian tại đây. CLB Văn hóa dân gian Kon Trang Long Loi được thành lập năm 2019 theo Đề án của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch với 41 thành viên, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và trên 30 thành viên trẻ được đánh giá hoạt động có hiệu quả trong công tác bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na nhánh Rơ Ngao.
Nghệ nhân ưu tú A Thuih - Chủ nhiệm CLB vui vẻ nói: Chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để thành lập CLB văn hóa dân gian, tôi thật sự cảm thấy rất vui. Với trách nhiệm được giao, tôi luôn cố gắng gần gũi với thế hệ trẻ, hướng các em yêu thích, gắn bó với văn hóa cồng chiêng, để bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa được truyền lại qua bao đời.Năm 2021, thôn Kon Trang Long Loi được công nhận là làng du lịch cộng đồng. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân, các thành viên trẻ khi tham gia đã dần trở nên mạnh dạn hơn. Các em biểu diễn những bài cồng chiêng – xoang, các bài dân ca truyền thống, trình diễn thổ cẩm và nhạc cụ truyền thống của người Ba Na nhằm phục vụ, thu hút du khách.
Hay tại thôn Kon K’lốc, xã Đăk Mar, đều đặn vào những ngày cuối tuần, đội nghệ nhân dân gian lại tập trung tại nhà rông để tập luyện những bài dân ca truyền thống. Từ đội nghệ nhân ban đầu chỉ có 35 thành viên, đến nay CLB tại thôn Kon K’lốc đã thu hút được trên 100 thành viên ở nhiều độ tuổi tham gia tập luyện, biểu diễn cồng chiêng – xoang và hát dân ca. Với sự hướng dẫn của nghệ nhân ưu tú Y Khar, các chàng trai, cô gái Xơ Đăng dần nhuần nhuyễn các bài cồng chiêng, thuộc và thể hiện thuần thục các làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Nghệ nhân ưu tú Y Khar tâm sự: Qua các buổi tập, tôi thấy các em rất hào hứng trong tập luyện, sinh hoạt trao đổi với nhau cách đánh cồng chiêng, cách lấy giọng hát dân ca. Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để truyền dạy cho các em, truyền “lửa” đam mê về văn hóa truyền thống đến với thế hệ trẻ.
Trong những năm qua, để góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn, huyện Đăk Hà đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực để tạo môi trường giúp các CLB, đội nhóm văn nghệ, văn hóa dân gian hoạt động hiệu quả. Hiện toàn huyện có 58 nhà rông, 100 bộ cồng chiêng truyền thống, thành lập và duy trì 92 đội cồng chiêng - xoang tại các thôn, làng đồng bào DTTS.
Bà Phạm Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Qua 30 năm xây dựng và phát triển, các dân tộc anh em trên địa bàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, một lòng theo Đảng, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các nghi lễ dân gian, dần đẩy lùi và từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp để xây dựng đời sống văn hóa mới.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-210372.htm