Phát huy vai trò trọng tâm của tổ hòa giải ở cơ sở
Các thành viên tham gia tổ hòa giải thường là trưởng ấp, trưởng Ban công tác Mặt trận, các Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… có khả năng vận động, thuyết phục người dân và am hiểu pháp luật, phong tục tập quán của địa phương.
Các tổ hòa giải ngày càng được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp và góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Năm 2023, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 526 vụ/567 vụ, đạt tỷ lệ 92,77% (tăng 1,92% so với năm 2022), chủ yếu liên quan tới lĩnh vực hôn nhân - gia đình; an ninh trật tự; tranh chấp đất đai, tài sản, hụi; mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, thân tộc, họ hàng... Số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết thôn xóm, trật tự an toàn xã hội.
Các thành viên tham gia tổ hòa giải thường là trưởng ấp, trưởng Ban công tác Mặt trận, các Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… có khả năng vận động, thuyết phục người dân và am hiểu pháp luật, phong tục tập quán của địa phương.
Tổ hòa giải ấp Ninh An, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu- năm 2023- tiếp nhận và hòa giải thành 6 đơn tranh chấp. Trong quá trình hòa giải, tùy vào vụ việc cụ thể, các thành viên tổ hòa giải vận dụng những phong tục tập quán ở địa phương, hiểu biết về pháp luật có liên quan, bằng lời nói nhẹ nhàng để phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh - lý tình trọn vẹn”, thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận hài hòa thống nhất, vui vẻ và xóa bỏ tranh chấp.
Ông Đinh Ngọc Thạch- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, hòa giải viên Tổ hòa giải ấp Ninh An cho biết, ông học hỏi kinh nghiệm trong công tác hòa giải và nghiên cứu các quy định pháp luật, văn bản cấp trên hướng dẫn thực hiện về nghiệp vụ kỹ năng hòa giải ở cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các vụ việc hòa giải thành, ông thường chủ động đến động viên, thăm hỏi, nhắc nhở, tạo điều kiện cho các bên thực hiện tốt cam kết để họ có lòng tin đối với chính quyền địa phương ở ấp, nâng cao vai trò, ý thức của mình trong việc thực hiện chủ trương và chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
“Ở những địa bàn có đông đồng bào tôn giáo, tính chất tôn giáo là cực kỳ quan trọng trong công tác hòa giải. Đội ngũ hòa giải viên cần đưa thành phần tôn giáo vào thì chất lượng hòa giải sẽ đạt kết quả tốt hơn. Đối với những vụ việc khó liên quan đến đất đai, hòa giải viên cần tham khảo ý kiến hoặc chủ động mời cán bộ Địa chính cùng tham gia giải quyết. Địa phương cần thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các tổ hòa giải trên địa bàn với nhau để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cách làm hay trong công tác hòa giải”- ông Thạch chia sẻ.
Theo ông Thạch, một tổ hòa giải tốt phải bảo đảm đủ các tiêu chí: phát hiện vụ việc kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở, tổ chức hòa giải tốt. “Ưu thế nổi bật của Tổ hòa giải ấp Ninh An là thường xuyên gần gũi với người dân, bám sát địa bàn. Vì thế, khi chúng tôi phân tích, chia sẻ vấn đề nào đó, bà con trong ấp luôn lắng nghe và đồng thuận”- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, hòa giải viên Tổ hòa giải ấp Ninh An nói.
Ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành có một tổ hòa giải với 5 hòa giải viên, gồm những người có uy tín, trách nhiệm sinh hoạt trong các hội, đoàn thể ấp như trưởng ấp, trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, phụ nữ, nông dân, công an viên phụ trách ấp và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 5 tập thể, 9 cá nhân; Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tặng giấy khen cho 5 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong quá trình tham gia hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu những quy định của pháp luật có liên quan để khi tiếp cận sự việc không bị lúng túng hoặc có ý kiến trái chiều, từ đó, hoạt động hòa giải không ngừng nâng cao hiệu quả.
Ông Ngô Tùng Minh- Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Trường Ân chia sẻ, các vụ việc tranh chấp ở ấp chủ yếu ở lĩnh vực dân sự, mâu thuẫn giữa các bên, hôn nhân - gia đình. Dựa trên những vụ việc tranh chấp cụ thể, hòa giải viên phân tích những quy định pháp luật có liên quan, hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết mâu thuẫn với nhau. Qua đó, tỷ lệ hòa giải thành đạt khá cao, góp phần hàn gắn, khôi phục tình cảm giữa các bên; duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương.
“Tôi phối hợp với Ban công tác Mặt trận trong việc củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; thành lập nhóm Zalo, Facebook của tổ hòa giải để thuận tiện và nhanh chóng thông báo, triển khai kịp thời các thông tin liên quan cho các thành viên; thường xuyên liên hệ với công chức Tư pháp - Hộ tịch xã để trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải. Các vụ việc hòa giải đều được lập biên bản cụ thể, có đầy đủ thành phần tham dự, được ghi chép, cập nhật vào sổ theo dõi hoạt động hòa giải từng năm theo quy định”- Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Trường Ân chia sẻ.
Để hạn chế tối đa các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu nại trên địa bàn ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, Tổ hòa giải ấp phân công từng thành viên phụ trách nắm tình hình trong nhân dân. Khi có vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, các hòa giải viên cùng nhau đến tuyên truyền, vận động, giải thích để không xảy ra mâu thuẫn kéo dài, làm phức tạp tình hình ở địa phương. Qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Tổ hòa giải ấp tiếp nhận 96 đơn liên quan đến các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, tranh chấp tài sản, tranh chấp hụi, mâu thuẫn trong thân tộc, họ hàng, cộng đồng dân cư... (trong đó, hòa giải thành 87/96 đơn, đạt tỷ lệ 90,06%).
Bà Thân Thị Thu Thủy- Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình cho biết, để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, việc kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động hòa giải ở ấp và công tác tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật vô cùng quan trọng. Cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở địa phương; vận động các thành viên tích cực học tập bằng nhiều hình thức như qua sách báo, mạng internet, bạn bè, học hỏi kinh nghiệm của những người cao tuổi ở địa phương.
“Điều quan trọng và then chốt nhất để tạo uy tín cho tổ hòa giải, khi tổ chức hòa giải cần tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên. Các hòa giải viên cần khách quan, công bằng, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật”- Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Suối Ông Đình cho biết.
Để hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải, hòa giải viên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở các xã, phường, thị trấn.