Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Đưa vào Nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn và nội hàm, tránh tạo xung đột pháp luật không cần thiết

Chiều 14.5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cần các chính sách thực sự mang tính đặc thù riêng biệt

Theo Báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo đó, nhóm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng gồm 9 chính sách: 7 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù và 2 chính sách đề xuất mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhóm chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm 21 chính sách: 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long

Cơ quan soạn thảo kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Bảy tới theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 đã bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.

Các chính sách được xây dựng khá toàn diện, trên nhiều lĩnh vực, bao gồm 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể; có kế thừa và tích hợp một số chính sách mới tương đồng chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép áp dụng (Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh…); xây dựng mới một số chính sách đặc thù riêng cho Thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần có các chính sách thực sự mang tính đặc thù riêng biệt tương thích với đặc điểm riêng có về vị trí địa lý, lợi thế về tiềm năng kinh tế, con người để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW. Đồng thời, rà soát từng chính sách thuộc nhóm chính sách đã quy định tại Nghị quyết 119/2020/QH14, nhưng tiếp tục triển khai, không sửa đổi; cần phân tích tính phù hợp với đặc thù của Đà Nẵng, đã phát huy tác dụng ở mức độ nào, có thật sự cần thiết áp dụng tiếp hay không để có căn cứ thuyết phục trình Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng và nhân rộng hoặc đề xuất loại bỏ?

Chính sách ban hành tuyệt đối không hướng đến hợp thức hóa sai phạm

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đà Nẵng đã có Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng. Đây là điều kiện về mặt chủ trương của Đảng để Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa, giúp Thành phố Đà Nẵng phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã phát triển tốt, nhiều việc nếu có cơ chế, chính sách đặc thù thì sẽ tiếp tục phát triển thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và bền vững ở miền Trung nói riêng, trên cả nước nói chung.

Nhận thấy cần thiết và đúng thẩm quyền, kịp thời với vấn đề phát sinh, lược bỏ quy định không còn phù hợp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, nội dung chính sách đề xuất thí điểm khá rộng, dự kiến có 2 nhóm chính sách lớn và 30 chính sách cụ thể, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, nguồn lực, bảo đảm thực hiện chính sách đến nhiều mặt khác, nhiều quy định khác với hiện hành.

“Cái gì đã chín đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì đưa vào Nghị quyết; những gì chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu thực hiện. Có những vấn đề có thể là quyền của HĐND Thành phố Đà Nẵng ban hành để thực hiện tại Thành phố; Thành ủy, UBND phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý 3 nội dung lớn.

Thứ nhất, cần có điểm nhấn hơn về 5 đặc tính trong cơ chế, chính sách thí điểm là: tính trọng tâm, trọng điểm; tính đặc thù riêng cho Đà Nẵng; tính đột phá để phát triển đi lên; tính hợp lý, khả thi; tính lan tỏa, tác động sâu rộng. Quan điểm là chính sách ban hành cần tập trung để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của Thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, góp phần khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Nguồn lực của Đà Nẵng là một thành phố trung tâm ở ven biển miền Trung, một thành phố du lịch - ngành "công nghiệp không khói". Trọng tâm lớn của Thành phố là phát triển dịch vụ để tăng trưởng GDP, GRDP, thu nhập bình quân đầu người; phát triển du lịch cũng nâng cao đời sống của người dân Thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Thứ hai, góp phần khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh; chính sách ban hành tuyệt đối không hướng đến việc hợp thức hóa các sai phạm. Và, thứ ba, đề cao vai trò điều hành, quản lý, kiểm soát, hậu kiểm các điều kiện để triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu, chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn và nội hàm, tránh tạo ra xung đột pháp luật không cần thiết hoặc vướng mắc trong triển khai. Đồng thời, chú trọng chính sách về phát huy tính đặc thù, riêng biệt để đầu tư phát triển Đà Nẵng là thành phố cảng biển, đô thị quốc tế; bảo đảm vai trò trọng điểm miền Trung, kết nối vùng Tây Nguyên như trong Nghị quyết Bộ Chính trị đã nêu. Tiếp tục rà soát, phân định theo các nhóm: đối với các cơ chế, chính sách đã được áp dụng cho các địa phương khác hiện nay cần tiếp tục rà soát rõ hơn sự cần thiết và tính khả thi; đối với những chính sách mới, thì tinh thần là cố gắng không nhắc lại chính sách đã được quy định tại các luật vừa được Quốc hội thông qua và các chính sách đã được định hướng sửa đổi trong Nghị định.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về các nhóm chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cơ bản đồng tình với 9 nhóm chính sách thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, trong đó có 7 chính sách tương tự được áp dụng tại các địa phương khác và 2 chính sách đề xuất mới.

Về chính sách đặc thù, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là phù hợp; có cơ chế cần được Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan và Đà Nẵng tiếp tục bổ sung, làm rõ toàn diện hơn, đủ sức thuyết phục Quốc hội. Chính sách tài chính, ngân sách, thuế quan cần thấu đáo, có thuyết minh rõ để thuyết phục hơn, bám vào Luật Ngân sách nhà nước. Đối với ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư (khoản 14 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), cần tiếp tục đánh giá tác động, đặc biệt là tác động đối với ngân sách nhà nước, đưa ra dự báo cụ thể để làm căn cứ trình Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bày tỏ ủng hộ đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Đà Nẵng có quyết tâm chính trị rất cao và cũng có lợi thế để phát triển gắn với Cảng biển Liên Chiểu, có sân bay Đà Nẵng. Đây là những điều kiện tiên quyết, cần thiết để thành lập Khu thương mại tự do.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội. Trong đó, chú ý tên gọi phù hợp với nội dung và những vấn đề liên quan đến căn cứ, điều khoản chuyển tiếp. Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-tran-thanh-man-dua-vao-nghi-quyet-nhung-chinh-sach-da-ro-ve-can-cu-thuc-tien-va-noi-ham-tranh-tao-xung-dot-phap-luat-khong-can-thiet-i370337/