Phòng chống cháy rừng phụ thuộc chủ yếu vào ý thức người dân

Việc phòng chống cháy rừng chủ yếu phụ thuộc vào ý thức người dân, chủ rừng. Vì vậy, tuyên truyền vẫn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu

Không đốt thực bì lúc nắng nóng cao điểm

Khoảng 1 tháng qua, nắng nóng diễn ra gay gắt ở Quảng Ngãi, đặc biệt tại các khu vực miền núi với nhiệt độ có nơi tăng cao lên đến hơn 41 độ C đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Nắng nóng gay gắt diễn ra ở khu vực miền núi Quảng Ngãi.

Huyện Nghĩa Hành có trên 12.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Địa phương này tiếp giáp với các huyện có nhiều rừng như Ba Tơ, Minh Long, Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi. Do đó, phòng, chống cháy rừng là một thách thức lớn của huyện trong những năm gần đây.

Trước thực trạng trên, huyện này đã thành lập 60 tổ đội với hơn 660 người tham gia công tác phòng, chống cháy rừng ở 9 xã có rừng để thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát những người phát dọn, chặt tỉa cây, lấy củi, mật ong, săn bắt thú.

Trước khi đốt thực bì, người dân chủ động khoanh vùng để đảm bảo an toàn.

Khi phát hiện người dân vào rừng, các thành viên tổ bảo vệ rừng yêu cầu tuyệt đối không được sử dụng lửa, nhất là giai đoạn cao điểm nắng nóng. Những khu vực rừng có nguy cơ cao, tổ bảo vệ rừng yêu cầu chủ rừng chủ động làm đường ranh cản lửa dài 100m và rộng 3m.

“Mùa nắng nóng này đi rừng liên tục. Người dân đang khai thác rừng thì chúng tôi phải đi. Hộ nào khai thác đến hộ đó, vận động họ không đốt thực bì, đợi đến khi mưa xuống, độ ẩm cao thì lúc đó đốt rồi trồng lại dễ hơn. Chứ hiện giờ nhiệt độ cao, đốt là cháy hết”- ông Cao Thanh Hà (Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) cho hay.

Đốt thực bì là nguyên nhân của nhiều vụ cháy rừng.

Cũng theo ông Hà, theo quy định trước khi đốt thực bì người dân phải báo với tổ trưởng tổ phụ trách địa bàn. Khi đốt phải có người canh gác, dập lửa xong, tắt hoàn toàn mới được ra về. Từ năm 2009 đến nay, thôn Trường Lệ chưa xảy ra cháy rừng nhờ việc chủ động ngăn chặn và nghiêm cấm đốt thực bì lúc nắng nóng.

Tập trung tuyên truyền

Tại Quảng Ngãi, tổng diện tích có rừng toàn tỉnh khoảng 264.907 ha (106.672 ha rừng tự nhiên, 158.195 ha rừng trồng), tỷ lệ che phủ rừng (bao gồm cây phân tán) đạt 52,33%.

Tổng diện tích có rừng toàn tỉnh khoảng 264.907ha.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng nhìn nhận, việc phòng, chống cháy rừng chủ yếu phụ thuộc vào ý thức người dân, chủ rừng. Vì vậy, tuyên truyền vẫn là một trong những giải pháp quan trọng.

Theo ông Hưng, mỗi năm, đơn vị tổ chức gần 450 đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau; ký cam kết bảo vệ rừng với hơn 5.000 chủ rừng và người dân sống gần rừng với nội dung không phát dọn, đốt thực bì cao điểm nắng nóng; vào rừng không sử dụng lửa bừa bãi...

Một vụ cháy rừng do đốt thực bì.

Xác định được mức độ nguy hiểm tiềm tàng của cháy rừng, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, để chủ động phòng, chống cháy rừng dưới thời tiết nhiệt độ vượt ngưỡng 41 độ C, Quảng Ngãi chủ động phân công lực lượng ứng trực tại các khu vực có nguy cơ cao. Vận động từng chủ rừng ký cam kết không đốt thực bì trong lúc này.

4 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng Quảng Ngãi tổ chức 1.500 đợt truy quét, kiểm tra, tuần tra đã phát hiện 39 vụ vi phạm liên quan đến rừng. Trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, chức năng sản xuất với tổng diện tích thiệt hại 6,8 ha; 3 vụ cháy rừng trồng với tổng diện tích thiệt hại 10,4 ha.

Các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Đồng thời, phải xây dựng phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phố biến pháp luật về phòng, chống cháy rừng bằng nhiều hình thức, phù hợp với phong tục, tập quán vùng miền.

Đôn đốc, hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phong-chong-chay-rung-phu-thuoc-chu-yeu-vao-y-thuc-nguoi-dan.html