Phục hồi bền vững ngành Du lịch

Sau 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, nguồn lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp làm du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm này, khi dịch COVID-19 trong nước đang dần được kiểm soát thì việc khôi phục du lịch là một yêu cầu cần thiết cho cả nền kinh tế cũng như người làm du lịch. Việc mở cửa du lịch sẽ giúp lan tỏa, kích thích phục hồi lại các ngành nghề khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc phục hồi du lịch như thế nào cần phải có lộ trình phù hợp, an toàn đến đâu, mở đến đó và phải có các tiêu chí chung để đảm bảo an toàn cho cả du khách và doanh nghiệp.

Khu du lịch Thung Nham (xã Ninh Hải, Hoa Lư) nâng cấp cơ sở vật chất để chuẩn bị đón khách du lịch. Ảnh: Anh Tuấn

Kỳ I: Sức tàn phá của cơn bão COVID-19

Kỳ II: Nhóm lên "ngọn lửa" phục hồi ngành Du lịch

Kỳ III: Cần có lộ trình phục hồi an toàn, phù hợp

Yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, tính đến thời điểm này, Ninh Bình không chỉ là một trong những tỉnh vùng xanh mà còn thuộc nhóm đứng đầu cả nước về độ bao phủ vắc xin cho người dân. Tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 đạt trên 88% và dự kiến trong nửa đầu tháng 11 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc- xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đồng thời là số ít các tỉnh đã hoàn thành việc tiêm vắc - xin cho toàn bộ học sinh trung học phổ thông. Những nỗ lực để đạt miễn dịch cộng đồng là tiền đề quan trọng để Ninh Bình triển khai mạnh mẽ các kế hoạch phục hồi du lịch.

Ông Hoàng Bình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình thể hiện quan điểm: Đây là thời điểm vàng của du lịch Ninh Bình. Nhiều doanh nghiệp lữ hành các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hỏi thăm về việc Ninh Bình mở cửa đón khách. Họ muốn được tận hưởng mùa thu và mùa đông ở Tràng An. Nên nếu thời điểm này kiểm soát tốt được dịch để mở cửa trở lại sẽ rất thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, sau một thời gian dài nghỉ dịch, không có các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chính vì vậy việc được mở cửa kinh doanh trở lại giúp doanh nghiệp phục hồi, vơi bớt gánh nặng về tài chính.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường, buộc ngành Du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, từ an toàn ở tuyến điểm, an toàn trong chuỗi dịch vụ, an toàn trong tổ chức, điều hành tour và trong cả công tác kiểm soát. Ông Hoàng Bình Minh cũng cho rằng: việc mở cửa trở lại lúc này là rất cần thiết nhưng không phải nhiệm vụ cấp bách nên phải có những tiêu chí rõ ràng, quy định chặt chẽ, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Chính vì vậy, trước khi mở cửa phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới cần có quy định và tiêu chí rõ ràng như: khi xảy ra các tình huống xấu nhất là có ca F0 trong đoàn ai là người chịu trách nhiệm chi trả kinh phí khi cách ly? các công ty bảo hiểm có tham gia vào vấn đề này không?

Bên cạnh đó, điều các doanh nghiệp lữ hành quan tâm hiện nay là các tỉnh, thành phố cần làm rõ các tiêu chí cho phép đưa, đón khách, khoanh vùng xanh, vùng đỏ. Đặc biệt, cần lập bản đồ vùng an toàn cho du lịch để các đơn vị thuận tiện trong việc đưa khách, xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp với tình hình, diễn biến dịch của các địa phương.

Cũng về vấn đề an toàn khi mở cửa du lịch trở lại, ông Tống Anh Đệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH khách sạn Thùy Anh Ninh Bình Legend đề xuất: Việc đón khách trong điều kiện tình hình mới dù khẩn trương nhưng phải hết sức thận trọng. Các địa phương và doanh nghiệp không nên quá chọn nhiều điểm đến mà cần có sự chọn lọc, tập trung, đảm bảo đưa đón khách an toàn, hiệu quả... do đó rất cần có một bộ tiêu chí, quy định chung về việc đón khách giữa các địa phương, không để ảnh hướng đến hành trình du lịch của du khách.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong muốn các địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp để lựa chọn điểm đến tốt nhất, an toàn nhất cho hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng. Muốn thế các địa phương cần công khai, minh bạch những cơ sở kinh doanh dịch vụ điểm đến đủ điều kiện đón khách để chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp.

Ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Để chuẩn bị cho sự trở lại của ngành Du lịch, tỉnh Ninh Bình đã ưu tiên thực hiện nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các khu du lịch, điểm du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn và triển khai các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch phù hợp với các quy định phòng chống dịch của Trung ương. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các ứng dụng phòng, chống COVID-19 của quốc gia, hệ thống đánh giá an toàn COVID-19 để theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi với khách du lịch có chứng nhận tiêm chủng vắc xin, phù hợp với hệ thống công nhận quốc gia, quốc tế.

Cần có lộ trình phù hợp

Trong thời điểm này, khách du lịch nội địa cần được xem là "cứu cánh" cho ngành Du lịch. Mặc dù doanh thu của du lịch nội địa không phải là nhân tố quyết định đến toàn ngành nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy tiêu dùng và có sức lan tỏa, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác. Mặt khác nếu du lịch nội địa khởi sắc, sôi động thì sẽ được khách quốc tế đánh giá cao Ninh Bình là điểm đến an toàn và thân thiện.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng để ngành Du lịch được nhanh chóng phục hồi thì Nhà nước cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi và phát triển trong tình hình mới những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; tập trung thu hút khách du lịch nội địa làm chủ đạo.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Với mục tiêu phục hồi an toàn, bền vững ngành Du lịch, tỉnh Ninh Bình đã đề ra lộ trình cụ thể, chi tiết để thực hiện. Theo đó, quý IV năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu đón 10.000 lượt khách du lịch trong tỉnh Ninh Bình, đồng thời tổ chức thí điểm đón khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh ngoài. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh cũng đã xây dựng phương án đón khách du lịch những tháng cuối năm 2021. Dự kiến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh mở cửa đón và khách du lịch từ ngày 15/11 đến hết ngày 30/11/2021 và chỉ đón khách du lịch trong tỉnh với chủ đề "Người Ninh Bình đi du lịch Ninh Bình". Từ ngày 1/12 đến hết ngày 31/12/2021, bên cạnh tiếp tục đón khách du lịch trong tỉnh, sẽ tổ chức thí điểm đón khách du lịch ngoài tỉnh thông qua chương trình du lịch khép kín, an toàn do các doanh nghiệp du lịch tổ chức. Ngành Du lịch cũng sẽ lựa chọn, cho phép một số công ty lữ hành tổ chức chương trình du lịch an toàn, khép kín từ Hà Nội đến Ninh Bình để đánh giá mức độ an toàn du lịch trước khi mở cửa đón khách du lịch ngoài tỉnh.

Sau khi thực hiện thí điểm đón khách ngoài tỉnh, Ninh Bình sẽ thực hiện phương án đón khách du lịch giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, đối tượng khách du lịch bao gồm: Khách du lịch trong tỉnh và khách du lịch đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, đến từ các tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp. Ngành Du lịch tổ chức các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Ninh Bình - Điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn". Ưu tiên kết nối tour du lịch an toàn với các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh; tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành liên kết với các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ để tổ chức các chương trình tour du lịch an toàn, khép kín. Gắn hoạt động du lịch với các lễ hội truyền thống, sự kiện chính trị văn hóa, thể thao tiêu biểu như Lễ hội Hoa Lư; các hoạt động trong chương trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Tuần Du lịch Ninh Bình....

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, cuối năm 2022, toàn dân Việt Nam cơ bản đã được tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ đạt trên 90%; tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt và Chính phủ cho phép mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Đây cũng là thời điểm Ninh Bình sẽ thực hiện phương án đón khách du lịch quốc tế. Đối tượng là những người đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, có chứng nhận tiêm vắc xin hoặc có hộ chiếu vắc xin được các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ công nhận.

Tuy nhiên, đối với khách du lịch quốc tế cần có phương án lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh; giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch. Triển khai đồng bộ các biện pháp xúc tiến quảng bá kết hợp với chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch an toàn. Xây dựng và quảng bá hình ảnh Ninh Bình - Điểm đến du lịch an toàn, chất lượng, thân thiện và hấp dẫn.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phuc-hoi-ben-vung-nganh-du-lich/d20211104075942250.htm