Quân và dân Cao Bằng với chiến thắng Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, quân và dân ta đã lập nên chiến công - Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Trong chiến thắng lẫy lừng đó có sự đóng góp một phần không nhỏ của quân và dân Cao Bằng.

Từ sau Chiến thắng Biên giới 1950, kế thừa kinh nghiệm quân sự và phát huy tinh thần tiến công, sức mạnh thắng lợi của chiến dịch, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, nhiều đại đoàn được thành lập. Nhiều chiến dịch lớn được mở và giành thắng lợi. Cuộc kháng chiến của ta đi vào chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 với tinh thần tiến công mạnh mẽ. Về tương quan lực lượng, trên các chiến trường Pháp đều thua, sa lầy, quân ta càng đánh càng thắng.

Thất bại trước các đòn tiến công của quân và dân ta trên khắp các mặt trận, khi phát hiện quân ta di chuyển lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp đưa 6 tiểu đoàn quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn quân ta giải phóng Lai Châu, tiến sang Thượng Lào và tăng thêm lực lượng xây dựng phòng tuyến sông Nậm Hu nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ được Pháp coi là vị trí then chốt để làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, che chở cho Thượng Lào và là một căn cứ không quân, lục quân lợi hại; phục vụ cho chính sách xâm lược của Mỹ ở Đông Nam Á. Sau đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung binh lực lớn thứ hai của địch trên chiến trường Đông Dương. Thực dân Pháp quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh “là một pháo đài bất khả xâm phạm” vì Điện Biên Phủ, như tướng H.Navarre nói, đó “là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á”. Trước hành động đó của địch, ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, coi đây là “một trận quyết chiến chiến lược” giữa ta và địch nhằm phá tan kế hoạch Nava của thực dân Pháp.

Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954). Ảnh: T.L

Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954). Ảnh: T.L

Song, Điện Biên Phủ cách xa hậu phương nên việc tiếp tế, vận chuyển hậu cần gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả một hậu phương hùng hậu từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc, vùng du kích và căn cứ du kích đồng bằng Bắc Bộ dồn sức người, sức của và sự nhiệt tình trong công tác hậu cần cho mặt trận.

Đảng bộ, nhân dân các dân tộc, cùng lực lượng vũ trang Cao Bằng cũng như quân và dân cả nước đứng trước một nhiệm vụ to lớn và nặng nề. Thi hành chỉ thị của Liên Khu ủy và Hội đồng cung cấp mặt trận của liên khu “... bảo đảm cho kế hoạch, Tỉnh ủy có trách nhiệm giải quyết những yêu cầu về dân công, vật liệu, phòng gian, bảo mật”, quân và dân Cao Bằng đã dồn sức chi viện cho chiến trường. Cuối năm 1953, đầu năm 1954, toàn tỉnh bổ sung 844 cán bộ, chiến sĩ cho bộ đội chủ lực. Huy động đợt đầu tiên 1.034 người phục vụ cho chiến dịch dài ngày (trong đó 24 nữ, có cả dân tộc thiểu số ở vùng cao hăng hái xuống núi ra mặt trận). Năm 1954, toàn tỉnh tiếp tục huy động 35.456 người với 873.902 ngày công sửa chữa đường phà, phục vụ cho kế hoạch quân sự, bảo đảm giao thông thông suốt. Cùng với việc huy động lớn số lượng người đi dân công, Cao Bằng còn huy động nhiều loại phương tiện vận chuyển hàng phục vụ chiến trường, trong đó 228 xe đạp, 120 xe ngựa, 140 ngựa thồ vận chuyển 1.200 tấn thóc về Bắc Kạn phục vụ chiến dịch.

Các địa phương đều thể hiện rõ tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cách mạng, huy động dân công vượt mức kế hoạch, như Hà Quảng 12.280 người, Hòa An 8.620 người, Quảng Hòa 10.680 người..., trong đó số người đi đân công của huyện Hà Quảng chiếm 30% dân số toàn huyện (12.280 dân công/41.641 người). Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Hà Quảng dồn hết sức mình chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Chỉ riêng xã Sóc Giang tổ chức 1 đội ngựa thồ, 1 đội xe đạp, 1 đội dân công gồm 280 người, 12 con ngựa và 8 xe đạp phục vụ từ 1 - 3 tháng (riêng đội xe đạp gần 4 tháng). Đặc biệt có những gia đình đóng góp ủng hộ kháng chiến những tài sản đắt giá như ông Triệu Văn Mạ, xóm Pác Puồng, xã Quý Quân ủng hộ Chiến dịch Điện Biên Phủ 1 chiếc xe đạp.

Để vượt qua nhiều đoạn đường xung yếu địch thường bắn phá, dân công đã “biến đêm thành ngày”, không quản ngại hy sinh, đèo dốc, đêm tối thực hiện tốt việc tiếp lương thực, đạn dược cho tiền tuyến.

Việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm của tỉnh Cao Bằng cho mặt trận cũng có nhiều cố gắng, gần 2.000 tấn lương thực (trong đó có gạo, ngô) được chuyển ra mặt trận bằng các phương tiện thô sơ, góp phần bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng giặc. Hàng chục vạn ngày công được huy động đến các công trường làm gỗ, làm đường, bảo vệ kho tàng, bảo đảm giao thông thông suốt từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc về xuôi và các vùng trong tỉnh, nối liền hậu phương với mặt trận trung du, Tây Bắc và các mặt trận khác trong cả nước.

Trong chiến dịch này, Cao Bằng tiếp tục bổ sung cho bộ đội chủ lực rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, sản xuất hàng vạn thanh tà vẹt, tu sửa 800 cầu cống, tu sửa đường… phục vụ chiến dịch. Cùng với những đóng góp đó, quân và dân còn đóng góp vũ khí cho chiến trường Điện Biên Phủ, đó là số lượng lớn đạn trọng pháo thu được trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 đã được quân ta sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đơn cử như đạn pháo 105 ly, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ta sử dụng gần 21.000 viên đạn, trong đó 11.715 viên đạn chiến lợi phẩm thu được trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, chiếm gần 60% số đạn pháo sử dụng trong chiến dịch.

Công sức của quân và dân Cao Bằng đã cùng với cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Nó làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đinh Ngọc Viện

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/quan-va-dan-cao-bang-voi-chien-thang-dien-bien-phu-3168709.html