Quốc hội cần giám sát việc quản lý an ninh nguồn phóng xạ

PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Bức xạ được sử dụng khá phổ biến ở nước ta trong chiếu xạ bảo quản thực phẩm và rau quả, chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân; đánh giá chất lượng công trình giao thông và xây dựng… Dù vậy, các nguy cơ về mất an toàn và an ninh nguồn bức xạ vẫn hiện hữu, do đó Quốc hội cần có giám sát đối với vấn đề này.

Nguy cơ mất an toàn và an ninh

Bức xạ được sử dụng khá phổ biến ở nước ta và đã mang lại lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Cụ thể, bức xạ được sử dụng trong chiếu xạ bảo quản lương thực, thực phẩm và rau quả; tạo giống bằng đột biến bức xạ; chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân; chẩn đoán các quá trình công nghệ, thăm dò và khai thác dầu khí; kiểm tra khuyết tật cấu kiện cơ khí; đánh giá chất lượng công trình giao thông và xây dựng… Tuy nhiên, các nguy cơ về mất an toàn và an ninh nguồn bức xạ vẫn hiện hữu, có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (Điều 22 và Điều 30) và các văn bản dưới luật (Nghị định số 07/2010/NĐ-CP, Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN) đã có những quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, các sự cố mất nguồn phóng xạ vẫn xảy ra.

Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong chẩn đoán và phát hiện bệnh cho người dân. Ảnh ITN

Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong chẩn đoán và phát hiện bệnh cho người dân. Ảnh ITN

Theo thống kê giai đoạn 1990 - 2017, tại Việt Nam đã xảy ra 16 sự kiện liên quan tới nguồn bức xạ, trong đó có 5 trường hợp do mất an toàn, 7 trường hợp do nguồn phóng xạ bị lấy cắp (mất an ninh) và 4 trường hợp liên quan tới buôn bán trái phép chất phóng xạ. Rất may các sự cố mất nguồn phóng xạ của Việt Nam chưa gây nên tai nạn chết người như trường hợp của Thái Lan năm 2000, nhưng một số nguồn phóng xạ bị mất vẫn chưa thu hồi lại được cũng gây ra những lo ngại cho sức khỏe người dân không may lại có được nguồn phóng xạ mà không biết.

Giám sát để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”

Nguồn phóng xạ hoạt độ lớn, có mức độ nguy hiểm cao được sử dụng di động trong kiểm tra không phá hủy (NDT) tại các công trình giao thông, xây dựng cũng như tại các nhà máy công nghiệp là khá nhiều ở nước ta.

Tháng 9.2014 đã xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ loại này tại TP. Hồ Chí Minh và sau 5 ngày đã tìm lại được do sự phát hiện của người dân. Sự cố này không gây thương vong cho con người do bình chứa nguồn phóng xạ chưa bị phá hủy. Ngay sau đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (gắn chip) cho các nguồn phóng xạ sử dụng di động trong NDT của các doanh nghiệp có hoạt động này trên địa bàn thành phố bằng ngân sách nhà nước. Việc sử dụng công nghệ giám sát này là tốt, nhưng chưa đủ vì mới chỉ giám sát vị trí của bình chứa nguồn, chứ chưa giám sát được phóng xạ.

Để có thể giám sát được vị trí và phóng xạ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho phép thực hiện một đề tài độc lập cấp Nhà nước về nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động trong NDT và giao cho Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện. Sản phẩm của đề tài đã được thử nghiệm thành công tại một số doanh nghiệp NDT và sẵn sàng sản xuất hàng loạt phục vụ nhu cầu quản lý an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động loại này.

Ngoài ra, từ năm 2012, Việt Nam đã hợp tác với Hàn Quốc có sự tư vấn, hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) triển khai dự án RADLOT cho phép đánh dấu các nguồn phóng xạ, xác định vị trí của nó theo thời gian thực dựa trên các thông tin định vị thu nhận từ tín hiệu vệ tinh GPS và mạng lưới viễn thông di động.

Trên cơ sở các kết quả đã thu được về áp dụng công nghệ mới này trong kiểm soát các nguồn phóng xạ di động sử dụng trong NDT, tháng 5.2015, trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã hứa với Quốc hội sẽ sửa đổi Thông tư về quản lý an ninh nguồn phóng xạ và yêu cầu các doanh nghiệp NDT phải lắp đặt thiết bị giám sát nguồn phóng xạ.

Ngày 20.7.2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ để thực hiện lời hứa của Bộ trưởng trước Quốc hội. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ lại không triển khai thực hiện Thông tư này.

Sau gần 2 năm không tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN, ngày 25.5.2017, Bộ Khoa học và Công nghệ lại ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BKHCN về việc ngừng hiệu lực thi hành Khoản 1 Điều 1 và Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN trong thời hạn 24 tháng, tức là chưa thực hiện yêu cầu các doanh nghiệp NDT phải lắp đặt thiết bị giám sát nguồn phóng xạ thêm 24 tháng nữa. Trong thời gian này, Bộ cũng không có giải pháp công nghệ nào khác để bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường trong khi các hoạt động chụp ảnh phóng xạ ngày càng nhiều và diễn ra ở khắp nơi trong nước cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Sau khi hết hiệu lực 24 tháng ngừng thi hành Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BKHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ lại ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BKHCN quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, trong đó chấm dứt hiệu lực các Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN, Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN và Thông tư số 05/2017/TT-BKHCN. Như vậy, việc sử dụng công nghệ trong giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động trong các doanh nghiệp NDT vẫn chưa được triển khai.

Trong bối cảnh nguy cơ mất an toàn và an ninh nguồn bức xạ vẫn hiện hữu, việc yêu cầu các doanh nghiệp NDT phải lắp đặt thiết bị giám sát nguồn phóng xạ là rất cần thiết. Do đó, Quốc hội cần giám sát, đôn đốc việc triển khai công tác này, cũng chính là giám sát việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội.

Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư nhiều tiền cho một đề tài nghiên cứu rất thành công về thiết kế, chế tạo thiết bị giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động trong NDT, sản phẩm của đề tài đã được ứng dụng thử cho một số doanh nghiệp NDT đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kiểm soát an ninh nguồn phóng xạ bằng công nghệ mới, nếu không tạo điều kiện cho thương mại hóa sản phẩm sẽ là một sự lãng phí lớn. Chưa kể, việc ứng dụng công nghệ mới trong kiểm soát an ninh nguồn phóng xạ đã được các chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu thành công cũng chính là đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Tóm lại, Quốc hội vào cuộc giám sát việc quản lý an ninh nguồn phóng xạ là rất cần thiết. Nếu không, khi sự cố xảy ra, hậu quả sẽ rất khó lường!

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-moi-truong/quoc-hoi-can-giam-sat-viec-quan-ly-an-ninh-nguon-phong-xa-i360391/