Quy định EPR: Cơ hội 'vàng' cho ngành tái chế

Từ ngày 1-1-2024, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) chính thức có hiệu lực. Đây là quy định buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử, dầu nhớt và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.

Từ ngày 1-1-2024, sản phẩm bao bì hàng hóa phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ quy định

Từ ngày 1-1-2024, sản phẩm bao bì hàng hóa phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ quy định

Quy định được xem là cơ hội “vàng” để phát triển ngành công nghiệp tái chế, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) và giảm phát thải ra môi trường.

* Phải thực hiện trách nhiệm tái chế

Luật Bảo vệ môi trường và nghị định hướng dẫn thi hành luật đã quy định, từ năm 2024 trở đi, DN sản xuất, nhập khẩu 6 loại sản phẩm gồm: pin, ắc quy; điện, điện tử; săm, lốp; dầu nhớt; phương tiện giao thông và nhóm bao bì phải thực hiện EPR. DN được lựa chọn một trong 2 hình thức là tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế. Đối với hình thức tái chế, DN có thể tự thực hiện hoặc ủy quyền cho đơn vị có chức năng. Đối với hình thức đóng phí, DN sẽ đóng tiền theo định mức chi phí tái chế do Chính phủ ban hành.

Thời điểm hiện tại, quy định về định mức chi phí tái chế chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT chưa công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động, sản phẩm tái chế năm 2024; chưa thông báo công khai kết quả phê duyệt và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính. Do đó, DN phải thực hiện EPR chưa tính toán được chi phí trong cơ cấu giá thành sản phẩm.

Quy định EPR có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 đối với chất thải săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm; từ ngày 1-1-2025 đối với điện, điện tử và từ ngày 1-1-2027 đối với ô tô, xe máy.

Trên thực tế, trước khi quy định trên có hiệu lực, không ít DN trên địa bàn tỉnh đã tiên phong thực hiện EPR. Có thể kể đến như: Nestlé, Ajinomoto, Toshiba, Bosch, SMC, Schaeffler, Cargill…

Theo ông Nguyễn Bá Luân, Trưởng đại diện Tập đoàn Cargill tại Việt Nam (có nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2), nhiều năm nay, công ty thực hiện tái chế bao bì. Theo đó, 100% rác thải công nghiệp được thu gom, phân loại để tái chế, xử lý tại cơ sở có chức năng; áp dụng các biện pháp đo lường để giảm sử dụng nhựa trong bao bì sản phẩm; thiết kế bao bì có khả năng tái sử dụng, dễ xử lý.

Đại diện Công ty TNHH Phát triển Khanh Lê (H.Long Thành) cho biết, nắm được quy định của pháp luật và yêu cầu tất yếu của thị trường xuất khẩu, DN đang tập trung sản xuất viên, thanh nén từ mùn cưa, vỏ trấu, củi tạp... Ưu điểm của sản phẩm này là độ ẩm và độ tro thấp, nhiệt lượng phát ra cao và an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Sản phẩm được làm từ phụ phẩm nông nghiệp và chất thải công nghiệp nhưng hoàn toàn có thể thay thế than đá, dầu khí dùng cho lò đốt.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng 2 (H.Vĩnh Cửu) Bùi Xuân Hùng cho rằng, hiện tại, DN quan tâm đến EPR, nhưng số lượng chưa nhiều và cũng mới dừng lại ở việc tìm hiểu thông tin, chi phí tái chế.

“Sở dĩ các DN còn lưỡng lự vì luật có hiệu lực nhưng chưa có định mức chi phí, chưa áp dụng chế tài. Thực hiện nghiêm túc quy định này sẽ làm cho chất thải đến đúng địa chỉ cần xử lý, gia tăng sản phẩm và nguyên liệu từ tái chế, giảm khai thác tài nguyên” - ông Hùng cho hay.

* Cơ hội lớn cho ngành tái chế

Chia sẻ tại hội thảo Giảm thiểu phát thải và xây dựng hệ thống phát triển bền vững cho DN diễn ra cuối năm 2023 vừa qua, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Dương Thị Xuân Nương cho rằng, mặc dù đã có nhiều quy định khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải nhưng DN thực hiện còn nhiều rào cản. Chẳng hạn, quy định DN trong cùng khu công nghiệp có thể cộng sinh để tối ưu hóa việc sử dụng yếu tố đầu vào, chất thải đầu ra, tuy nhiên, việc trao đổi chất thải phải phù hợp với quy hoạch ngành nghề của khu công nghiệp.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng 2 Bùi Xuân Hùng chia sẻ, hiện công ty có công nghệ xung điện tái tạo bình ắc quy nhiều lần, độ máy lên đến 80%. Việc này giúp giảm chất thải nguy hại ra môi trường, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, tiết kiệm túi tiền. DN cần người tiêu dùng biết và hợp tác tái sinh sản phẩm; cơ quan nhà nước tạo thuận lợi về thuế và hóa đơn để DN thuận lợi thu gom sản phẩm đầu vào, tiêu thụ sản phẩm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhận định, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, lượng chất thải phát sinh rất lớn nhưng hoạt động tái chế còn manh mún, gây ô nhiễm môi trường. Đầu tháng 1-2024, tỉnh ký ban hành Quyết định số 34/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Trong đó, tỉnh dành một khu để có hạ tầng thu hút các dự án tái chế chất thải vào hoạt động. Có cơ chế về thủ tục, nguồn vốn để các dự án hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, EPR không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là cơ hội phát triển bền vững của DN. Thông qua thực hiện EPR sẽ giúp DN đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính sách này cũng giúp gìn giữ nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm tốc độ gia tăng rác thải.

Tuy còn những ý kiến khác nhau về tỷ lệ và định mức chi phí tái chế, song chắc chắn từ bây giờ, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải tính toán sử dụng sản phẩm, bao bì dễ tái chế, dễ xử lý. Tương tự, cơ sở tái chế cũng phải đầu tư công nghệ, tuân thủ tốt pháp luật môi trường để được hưởng nguồn tài chính hỗ trợ EPR. Và khi đó, mục tiêu giảm lượng chất thải phải xử lý, giảm khai thác tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường và phát triển ngành công nghiệp tái chế sẽ khả thi, về đích sớm hơn.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202401/quy-dinh-epr-co-hoi-vang-cho-nganh-tai-che-6ad4c9b/