Quyền lực mềm - Chiến lược phát triển của quốc gia

LTS: 'Quyền lực mềm' là thuật ngữ do Giáo sư Joseph S.Nye thuộc Đại học Harvard của Mỹ đưa ra để mô tả cách các quốc gia 'đạt được điều họ muốn bằng sự hấp dẫn chứ không phải bằng áp bức'. Giai đoạn này, quyền lực mềm đã trở thành nguồn tài nguyên mới của quốc gia, có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế.

Công cụ quan trọng trong đối ngoại

Quyền lực mềm đã trở thành chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một công cụ quan trọng trong việc thực thi chính sách đối ngoại. Nhiều dự báo cho rằng, trong thế kỷ 21, cạnh tranh quyền lực mềm sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị thế quốc gia, đạt được sự ủng hộ, hợp tác của các cộng đồng quốc tế.

Sức mạnh của điện ảnh, công nghệ

Theo bảng xếp hạng của hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại London (Anh) Brand Finance, Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các quốc gia có quyền lực mềm gây ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2024. Bên cạnh việc tập trung xây dựng phát triển “sức mạnh cứng” (kinh tế, quân sự), Chính phủ Mỹ nhiều giai đoạn đã kết hợp giá trị dân chủ với âm nhạc, điện ảnh, công nghệ cùng các chính sách đối ngoại để mở rộng quyền lực mềm trên toàn cầu.

Trong lĩnh vực nghệ thuật và công nghệ, quyền lực mềm hàng đầu của Mỹ chính là Hollywood và Thung lũng Silicon. Trong vài thập niên trở lại đây, những tác phẩm xuất xứ từ Hollywood, từ những bộ phim của Disney, Pixar và sau đó là đủ loại phim bom tấn luôn có tính mê hoặc. Những phát kiến trong mảng công nghệ, với nhiều phát minh ra lò từ Thung lũng Silicon ở California chinh phục nhiều tín đồ công nghệ. Các thiết bị của Apple được chào đón khắp nơi, các đời MacBook trở thành chuẩn “vàng” trong mảng laptop, là động lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất khác.

 Người dân Đức chào đón Vua Charles III của Anh

Người dân Đức chào đón Vua Charles III của Anh

Không những thế, những sản phẩm công nghệ Mỹ còn góp phần định hình phong cách sống, phong cách tiêu dùng cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Và nếu có nơi nào ở Mỹ thu hút nhiều công dân “cổ cồn trắng nhập cư” nhất, đó hẳn phải là Thung lũng Silicon. Khoảng 40% lập trình viên phần mềm ở Mỹ là dân nhập cư.

Ngoài ra, sức mạnh đối ngoại của Mỹ còn thể hiện qua các chương trình hợp tác quân sự, cũng như sự hiện diện và tiếng nói trên các tổ chức toàn cầu, diễn đàn, hội nghị quy mô lớn và các sự kiện nóng trên thế giới.

Góp phần xây dựng hình ảnh

Đứng vị trí thứ hai trong danh sách là Vương quốc Anh. Vị thế này có được một phần là nhờ chế độ quân chủ. Quyền lực mềm của Vương quốc Anh được định hình rõ nét nhờ hàng loạt nỗ lực ngoại giao của cố Nữ hoàng Elizabeth II và nhiều chuyển biến mới khi Vua Charles III trị vì.

Nữ hoàng Elizabeth II là người tại vị lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh, đồng thời là quân vương trị vì lâu nhất thế giới. Hành trình cầm quyền của Nữ hoàng Elizabeth II được ca ngợi phi thường, bởi bà đã chứng kiến chặng đường vươn lên thành thế lực toàn cầu của nước Anh trong hơn 70 năm. Xuyên suốt thời gian trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã bổ nhiệm tổng cộng 15 Thủ tướng Anh và gặp 14 Tổng thống Mỹ. Ông Faisal J.Abbas, Tổng biên tập của tờ Arab News, nhận định: “Không có thời điểm nào tốt hơn để đất nước này chơi con át chủ bài của mình là quyền lực mềm, lịch sử và truyền thống, được đại diện bởi một vị vua nổi tiếng và hiệu quả”.

Sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), những hoạt động của Hoàng gia Anh đã đóng vai trò rất lớn để xây dựng hình ảnh Vương quốc, góp phần quan trọng giúp nước Anh thúc đẩy quan hệ với các đồng minh và đối tác hậu Brexit. Theo giới quan sát, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng của Hoàng gia Anh đã mang lại thành công cho Anh trong lần đăng cai Hội nghị G7 năm 2021, giữa lúc Anh đang nỗ lực tìm lại vị thế.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Đức sau khi đăng quang, Vua Charles III đã trở thành Quốc vương Anh đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Đức. Niềm đam mê với Hoàng gia Anh được thể hiện rõ qua hàng dài người xếp hàng trong tiết trời mùa xuân ẩm ướt và lạnh giá để chào đón Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla tại các điểm dừng chân ở Berlin và Hamburg. Chuyến thăm Đức của Nhà vua Anh được xem là sự kiện đặc biệt ở mọi góc độ, là cử chỉ thiện chí đề cao tình hữu nghị thân thiết, chân thành của 2 quốc gia châu Âu.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quyen-luc-mem-chien-luoc-phat-trien-cua-quoc-gia-post729122.html