Sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 15/5, tại thành phố Cần Thơ, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo 'Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long'.
Tại hội thảo, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhìn nhận, là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Công… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt rất nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền tây, cần có giải pháp cấp bách và lâu dài để bảo vệ vùng đồng bằng trù phú này.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế trình bày nhiều tham luận nêu thực trạng, nguyên nhân, các nguy cơ của vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các giải pháp thích ứng với điều kiện tự nhiên để đồng bằng phát triển bền vững.
Các đại biểu cho rằng, để bảo vệ vùng đồng bằng trù phú này, các cấp, các ngành, các địa phương trong vùng quan tâm bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, hợp lý, phù hợp đặc điểm từng vùng sinh thái với từng loại cây trồng vật nuôi “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ; quan tâm đến việc trữ nước ngọt vào mùa khô hạn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; sử dụng nước tuần hoàn, hạn chế khai thác nước ngầm để giảm tình trạng sụt lún, sạt lở đất.
Các địa phương ven biển chủ động có kế hoạch bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, nguồn nước cho sản xuất phù hợp điều kiện sinh thái; đầu tư các công trình thủy lợi nhằm kiểm soát nguồn nước hiệu quả theo từng vùng sinh thái, phù hợp các loại cây trồng, vật nuôi; chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế xanh, tận dụng nguồn tài nguyên bản địa tạo ra các sản phẩm giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong vùng.