Sức mua LNG của Trung Quốc có khả năng làm đảo lộn sự cân bằng thị trường khí đốt toàn cầu
Nhu cầu thu mua LNG của Trung Quốc cho mùa đông sắp tới đang quay trở lại, có khả năng làm đảo lộn sự cân bằng mong manh trên thị trường toàn cầu khi châu Âu đã đạt được mục tiêu lưu trữ khí đốt trước thời hạn.
Sau sự sụt giảm kỷ lục về nhu cầu khí đốt và nhập khẩu LNG vào năm ngoái do các lệnh phong tỏa do Covid-19, trong năm nay, mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc đã tăng lên, mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng trưởng tính đến năm 2021.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn, bao gồm cả với các nhà xuất khẩu hàng đầu là Mỹ và Qatar. Nhưng quốc gia này cũng quay trở lại thị trường giao ngay với một cuộc đấu thầu lớn các lô hàng sẽ được giao vào cuối năm nay và trong suốt năm 2024.
Sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và các khách hàng châu Á khác có thể khiến châu Âu rơi vào tình thế thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn về nguồn cung cho mùa đông 2023/2024 do đẩy giá cao hơn và thu hút nhiều hàng LNG đến châu Á hơn mức mà người mua EU mong muốn.
Sinopec, công ty năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc gần đây đã phát hành gói thầu tìm cách mua tới 25 lô hàng LNG trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 12 năm 2024, các nguồn tin giao dịch quen thuộc với kế hoạch này nói với Reuters trong tuần này.
Ngoài ra, Sinopec đang tìm kiếm các đề nghị mua một lô hàng LNG để giao vào tháng 10, 5 lô cho tháng 11 và 7 lô cho tháng 12/2023. 25 lô còn lại sẽ được giao mỗi tháng một lô vào năm 2024, theo nguồn tin của Reuters.
Chi nhánh thương mại của Sinopec có thể có kế hoạch bán lại tất cả hoặc một số lô hàng đó sau này và không sử dụng chúng cho nhu cầu tiêu thụ khí đốt nội địa của Trung Quốc.
Đó là cuộc đấu thầu lớn nhất của một bên mua thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc để tìm kiếm hàng hóa LNG trên thị trường giao ngay kể từ tháng 2 năm nay, Bloomberg lưu ý.
Năm ngoái, việc phong tỏa và tăng trưởng kinh tế chậm hơn đã khiến mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ năm 1990, trong khi nhập khẩu LNG của Trung Quốc giảm 20%, chủ yếu do nhu cầu giảm và giá LNG giao ngay cao.
Miaoru Huang, Giám đốc Nghiên cứu, Khí đốt và LNG Châu Á Thái Bình Dương, tại Wood Mackenzie, viết: Năm nay, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2023, nhờ nhu cầu cao hơn trong lĩnh vực điện và công nghiệp.
Sản lượng khí đốt nội địa của Trung Quốc đang tăng lên và nguồn cung cấp qua đường ống từ Nga sang Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, ông Huang lưu ý rằng nhập khẩu ròng LNG vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 cũng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tương lai, “Trung Quốc sẽ tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn đến giá LNG và nhờ cải thiện tính linh hoạt trong chuỗi giá trị khí đốt của mình, nước này ngày càng có thể đóng vai trò là thị trường dao động trong cân bằng cung cầu LNG toàn cầu”, ông Huang nói.
Khả năng làm xoay chiều thị trường của Trung Quốc có thể được thử thách ngay từ mùa đông này, đặc biệt nếu mùa đông ở châu Âu và châu Á lạnh hơn bình thường.
Colin Parfitt, Phó chủ tịch Midstream của Chevron, cho biết tại hội nghị Gastech 2023 ở Singapore vào tuần trước: “Chúng tôi bước vào mùa đông năm nay với lượng hàng tồn kho ở châu Âu khá cao.
Tuy nhiên, ông Parfitt cảnh báo về khả năng biến động cao nếu mùa đông lạnh hơn.
“Quan điểm của tôi là chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và có thể sẽ không thoát khỏi khó khăn trong vài năm nữa cho đến khi nguồn cung mới này xuất hiện”, vị này viết.
Mặc dù trữ lượng khí đốt ở mức cao và mức tiêu thụ cũng như nhập khẩu khí đốt giảm, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn không thoát khỏi tình trạng thiếu khí đốt, ngành công nghiệp và chính phủ Đức đã cảnh báo trong nhiều tháng.
Tình hình cung cấp trên thị trường LNG toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn ngay trước mùa nóng với tranh chấp đang diễn ra giữa Chevron và các công đoàn về lương và điều kiện làm việc tại hai cơ sở xuất khẩu ở Australia, chiếm tổng cộng 5% nguồn cung LNG toàn cầu.
Khánh Vy (Theo Oilprice)