Tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Trước tình hình trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giúp bà con thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là một đồng bằng bồi tích do sông Mê Kông vận chuyển phù sa trải qua hàng nghìn năm mà hình thành. Đây vốn là vùng đất thấp và bằng phẳng, cao độ trung bình phổ biến từ 1 đến 2 m so với mực nước biển. Vùng đồng bằng có diện tích gần 4 triệu ha (39.734 km2), trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. Vùng đất nàycung cấp 55% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới), hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt thất thường, xâm nhập mặn, nước biển dâng.... Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, tác động của biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Thống kê cho thấy, từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…

Ngoài ra, cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500 ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.

Theo thống kê của Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, năm 2023 có tới 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 740 km. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm.

Cũng theo thống kê, tổng mức sụt lún trung bình trong giai đoạn từ 2005 đến năm 2017 cho toàn vùng là 12,3cm (từ 3,45 cm đến 23,27 cm). Tốc độ sụt lún trung bình hàng năm cho toàn khu vực trong giai đoạn này là 1,07cm/năm (từ 0,38cm đến 1,99 cm/năm).

Ngoài tình trạng sụt lún, Đồng bằng sông Cửu Long còn phải đối mặt với tình hình xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con. Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2024 tới nay, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vùng nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long sớm hơn trước 1-1,5 tháng.

Từ tháng 4/2024 đến nay, xâm nhập mặn vùng ven biển gia tăng, một số thời điểm độ mặn tăng cao đột biến. Như ngày 18-22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn) độ mặn hơn 3-4 g/lít, tại Bắc Hồng Dân hơn 10 g/lít, ảnh hưởng đến lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Cục Thủy lợi lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nguồn nước thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long tháng 4/2024 ở mức thấp, kết hợp với nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi cao. Các địa phương đồng loạt xuống giống vụ hè thu làm mực nước nội đồng giảm nhanh.

Theo thống kê, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.580 ha lúa (Sóc Trăng 1.530 ha, Bến Tre 50 ha), 4.640 ha chanh và cây ăn trái khác tại Long An có nguy cơ giảm năng suất. 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Khoảng 73.900 hộ (2,1% số hộ dân nông thôn) bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thấp hơn so với năm 2019-2020 (96.000 hộ).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 5, xâm nhập mặn sẽ có xu hướng giảm ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Cửu Long, từ năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã định kỳ cập nhật và công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, được xây dựng dựa trên các công bố mới nhất của Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

Nội dung Kịch bản đã sử dụng số liệu quan trắc và số liệu mô hình số độ cao cập nhật đến năm 2020, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quẩn đảo của Việt Nam.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 với các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể như: Tập trung sản xuất nông nghiệp chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thủy nội địa kết nối mạng lưới đô thị vùng; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", khai thác lợi thế để phát triển bền vững.

Tại Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long” mới đây, các đại biểu nhận định, để bảo vệ vùng đồng bằng trù phú này, các cấp, các ngành, các địa phương trong vùng quan tâm bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, hợp lý, phù hợp đặc điểm từng vùng sinh thái với từng loại cây trồng vật nuôi “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ; quan tâm đến việc trữ nước ngọt vào mùa khô hạn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; sử dụng nước tuần hoàn, hạn chế khai thác nước ngầm để giảm tình trạng sụt lún, sạt lở đất.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư những dự án tỷ đô để ứng phó với sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán. Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Chính phủ đã cấp 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông, biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, vùng kinh tế quan trọng này cần được đầu tư các dự án lớn hàng tỷ USD để ứng phó.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-va-giai-phap-ung-pho-cho-dong-bang-song-cuu-long-88200.html