Tái tạo nguồn thủy, hải sản

Sản lượng thủy - hải sản đang ngày càng suy giảm do khai thác quá mức nên nhiều địa phương, người dân ở ĐBSCL triển khai các giải pháp để bảo vệ và tái tạo

Cà Mau có trên 3.800 tàu đánh cá đang ngày đêm vươn khơi để phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Biển đã giúp người dân có cuộc sống ấm no nhưng trước sự khai thác quá mức của con người đã khiến nguồn lợi thủy, hải sản được ví như vô tận đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Từ đó, khiến nhiều chuyên gia và ngư dân tâm huyết với nghề đánh bắt không khỏi trăn trở.

Xây nhà cho cá

Nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch biển, năm 2019, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ Cà Mau gần 2,7 tỉ đồng đúc 500 rạn nhân tạo bằng bê-tông có hình lập phương cao khoảng 1 m cùng các trang thiết bị như: máy quay phim dưới nước, máy dò cá... Sau thời gian khẩn trương thực hiện, các rạn nhân tạo được thả xuống biển cách đất liền 10 hải lý. Tiếp nối thành công bước đầu của dự án, Cà Mau tiếp tục đúc thêm 400 rạn nhân tạo để "xây nhà cho cá".

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, rạn nhân tạo đã phát huy được vai trò làm nơi trú ẩn và sinh sản của nhiều loài sinh vật biển. Từ đó, góp phần bảo vệ hệ sinh thái vùng biển ven bờ trước sự khai thác theo kiểu tận diệt của một bộ phận người dân thiếu ý thức. Đồng thời, còn góp phần cải thiện chất lượng môi trường xung quanh khu vực do các loài sinh vật đeo bám vào rạn nhân tạo gia tăng là mắt xích trong chuỗi thức ăn tự nhiên.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho hay việc bảo vệ tốt khu vực thả rạn nhân tạo đã có hiệu quả tích cực trong phát triển nguồn lợi thủy, hải sản. Trước khi thả rạn, tại những khu vực này chỉ ghi nhận một vài loài thủy, hải sản. Đến nay, đã có hơn 78 loài về đây cư trú, sinh sản. Nguồn lợi thủy, hải sản được khôi phục đã tạo hiệu ứng về tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc khai thác.

Bên cạnh đó, rạn nhân tạo còn góp phần tạo thêm sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương từ các nghề phát sinh như: lặn biển và câu cá giải trí tại các khu vực thả rạn. Đặc biệt, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản chuyển biến theo hướng tích cực như: nghề lưới rê sản lượng khai thác trung bình tăng trên 15%/chuyến so với trước khi thả rạn; nghề câu mực tăng 16,15%/chuyến. Ông Nguyễn Văn Mol (45 tuổi; ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Ngư dân ai cũng phấn khởi bởi sản lượng tăng đồng nghĩa với lợi nhuận sau mỗi chuyến biển được nhiều hơn. Tôi và bạn nghề có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống gia đình".

Những tín hiệu khả quan trong việc thả rạn nhân tạo được kỳ vọng sẽ tạo nên một ngư trường ổn định giúp ngư dân phát triển nghề cá bền vững. Từ đó, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đến phương án mở rộng thêm diện tích rạn nhân tạo trong thời gian tới.

Người dân thả cá về với tự nhiên đã góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tại An Giang. Ảnh: VĨNH KỲ

Người dân thả cá về với tự nhiên đã góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tại An Giang. Ảnh: VĨNH KỲ

Đưa tôm, cua, cá về với tự nhiên

Những năm gần đây, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích xã hội hóa hoạt động tái tạo làm phong phú nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước; tổ chức thả giống bổ sung tại các thủy vực, vùng nước có tầm quan trọng trong việc tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đẩy mạnh tái tạo, phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là các hệ sinh thái điển hình như: san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều, cửa sông là nơi sinh sống của các loài thủy sản...

Đầu tháng 4 vừa qua, hơn 5 triệu con tôm giống và tôm, cua giống bố mẹ đã được ngành nông nghiệp Kiên Giang thả về vùng biển tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Số con giống này do 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kinh doanh vật tư nuôi trồng thủy sản cùng đóng góp để thả về tự nhiên tại cửa biển Xẻo Nhàu, huyện An Minh.

Mới đây, được sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trại sản xuất giống, các nhà hảo tâm trên địa bàn, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã thả 2 triệu con tôm giống, 20.000 con cua giống, 25 kg ghẹ mang trứng và 12.000 con cá giống các loại về môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, mỗi năm ở tỉnh đều có mấy kỳ thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tháng 7 (âm lịch) tới, tỉnh tiếp tục thả cá lần thứ 2 với quy mô cấp vùng. Việc thả cá này đã tạo nên nhiều túi cá tự nhiên và được người dân thuần dưỡng với số lượng rất lớn. Điều này cho thấy việc tái tạo nguồn lợi thủy sản tại An Giang đang hiệu quả. "An Giang tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách tự nhiên. Tôi trân trọng và biểu dương những người dân đã tự bỏ tiền túi ra nuôi cá, chung tay cùng xã hội tái tạo nguồn thủy sản ngày thêm phong phú" - ông Dũng nhấn mạnh.

Cần sự chung tay

Những túi cá của An Giang đều có ở các địa phương. Trong đó, nổi bật là ở các huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới và TP Châu Đốc… Đàn cá xuất hiện trên sông đầu tiên ở An Giang là của ông Phạm Văn Cường (ngụ TP Châu Đốc). Vào năm 2014, ông Cường dẫn dụ đàn cá tra về nuôi tự nhiên ngay cạnh nhà nổi của mình để làm thú vui tuổi già. Đàn cá cả chục tấn được ông chăm sóc tốt nên lớn nhanh, có con nặng hơn 10 kg chỉ sau 4 năm và tăng nhanh về số lượng.

Đàn cá tự nhiên của ông Nguyễn Văn Út (ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới) đông đến mức chỉ có thể tính bằng tấn, với hàng chục loại cá, từ cá tra, cá trê, cá lóc, cá he, cá rô… Đó là chưa kể những loại cá "khủng", như chim trắng (ước tính trên 15 kg); các loại cá dài trên 1 m... nằm sâu phía dưới. Mỗi ngày, ông Út phải cho ăn khoảng 20 tấn rau và cho thêm khoảng 10 bao thức ăn. Đến giờ ăn, cá chen chúc nhau rộn ràng một khoảnh sông. Với lượng thức ăn tiêu hao mỗi ngày như thế, nhiều người có kinh nghiệm cho rằng đàn cá của ông Út có thể lên tới cả trăm tấn.

Nhiều người đã bỏ công sức, tiền của ra nuôi cá, cái họ mong muốn là đàn cá được sống và sinh sản để tái tạo nguồn thủy sản ngày thêm phong phú. "Tôi chỉ mong mọi người đừng đến gần rào chắn để xiệt điện, hay chài lưới hoặc làm gì để bắt cá. Tôi nuôi cá trên sông, chúng tự do đến và đi, khi nào cần sinh sản hoặc đi đâu tùy chúng. Điều đó chỉ có lợi cho xã hội, tôi mong mọi người chia sẻ cùng tôi" - ông Út nhắn gửi.

Giải cứu!

Năm 2020, đàn cá tra, cá chim trắng kéo về trú ngụ dưới bến rạch Ông Chưởng, ngay trước cửa nhà ông Đinh Vũ Tâm (ngụ xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và được ông Tâm bảo vệ, chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, việc nuôi đàn cá trên sông của ông Tâm gặp phải những người xiệc điện bắt cá. Dù ông lên tiếng bảo vệ, nhưng đàn cá của ông vẫn bị hao hụt nhiều. Đó là một vấn đề mà nhiều người dân tự nuôi cá trên sông hay gặp phải. Như đàn cá của ông Trần Văn Đặng (ngụ xã Phú Thành, huyện Phú Tân) buộc phải "giải cứu" đến nơi khác.

Ông Trần Văn Đặng cùng đàn cá bên bến sông nhà mình. Ảnh: VĨNH KỲ

Theo ông Đặng, đàn cá về sống bên bến sông nhà ông được vài năm. Nhờ cho ăn đầy đủ nên đàn cá lớn nhanh và "rủ nhau" về sống ngày càng đông. Ông Đặng đã xin phép chính quyền địa phương làm rào để ngăn người khác vào xiệc điện bắt cá. Tuy nhiên, những người bắt cá lại không quan tâm, họ đem cả lưới đến gần sát rào để kéo bắt cá. Đáng nói hơn, họ dùng điện để kéo lưới làm cá chết nổi lềnh bềnh. Xót cảnh, ông Đặng phải "giải cứu" đàn cá sang khúc sông Vàm Nao.

VĨNH KỲ - VÂN DU - DUY NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tai-tao-nguon-thuy-hai-san-20230416195837187.htm