Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Phú Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái ven biển.

Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi tại vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi tại vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Không để nguồn lợi bị cạn kiệt

Phú Yên có bờ biển dài, nhiều đảo và đầm, vịnh kín, là nơi phát triển của các hệ sinh thái biển, cung cấp nguồn lợi thủy sản cho vùng biển ven bờ. Hệ động thực vật vùng đất ngập nước và vùng biển ven bờ ở Phú Yên rất đa dạng, phong phú với nhiều loài thủy sản quý, có giá trị kinh tế cao.

Khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của cư dân ven biển, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, là tiềm năng phục vụ du lịch sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh đang chịu nhiều tác động bởi việc khai thác bất hợp lý và gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Nhiều hệ sinh thái biển ven bờ bị khai thác hoặc phá hủy do các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng nuôi, đặc biệt tại các đầm, vịnh đang ở mức báo động. Chất thải từ các hoạt động sản xuất, dân sinh, nuôi trồng thủy sản và du lịch không được thu gom, xử lý kịp thời đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường biển ven bờ…

Ông Trần Văn Sanh ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) cho biết: Trước đây, biển còn sạch, vịnh Xuân Đài đẹp lắm, bà con thường khai thác một số loài thủy sản để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ, nguồn nước trong vịnh bị ô nhiễm, cá tôm không còn sống gần bờ nữa. Ngoài rác thải sinh hoạt hằng ngày ở các khu dân cư ven vịnh, mỗi ngày có vài chục tấn thức ăn tươi (cá, cua, ốc…) “đổ” xuống vịnh Xuân Đài cho tôm hùm và cá nuôi ăn, thức ăn thừa đã gây ô nhiễm ở nhiều khu vực trong vịnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt.

Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), các nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng phương tiện đánh bắt nhỏ vẫn còn nhiều, đặc biệt ở TX Sông Cầu và huyện Tuy An. Các nghề này đã xuất hiện ở đây từ lâu và được kế thừa theo kiểu cha truyền con nối.

Trong khi đó, trình độ ngư dân còn hạn chế, vốn làm ăn không nhiều nên việc đầu tư, tổ chức khai thác xa bờ gặp khó khăn. Việc tập trung khai thác ven bờ khiến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, sinh kế của ngư dân không ổn định. Mặt khác, nhiều địa phương ven biển phát triển ồ ạt số lượng lồng bè nuôi thủy sản, khiến nhiều vùng biển ven bờ ngày càng ô nhiễm.

Ngư dân huyện Tuy An chuẩn bị ngư cụ để khai thác thủy sản khu vực ven bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Ngư dân huyện Tuy An chuẩn bị ngư cụ để khai thác thủy sản khu vực ven bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Nỗ lực bảo vệ, bảo tồn

Thời gian qua, tỉnh có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ hệ sinh thái ven biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Ngoài nỗ lực của cộng đồng dân cư và từng người dân, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Nhiều địa phương ven biển đã thành lập tổ và xây dựng, triển khai kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ…

Phú Yên cũng được nhiều tổ chức, đơn vị hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ điều tra, đánh giá đa dạng sinh học tại các vùng biển ven bờ. Qua đó xác định được các khu vực và hệ sinh thái cần bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững và đề xuất các phương án quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý.

Tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, hình thành khu vực bảo tồn biển cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực đầm, vịnh, vùng ven biển.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Địa phương rất quan tâm đến công tác bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy giảm, đồng thời làm sạch nguồn nước, bảo vệ môi trường biển, giữ cân bằng hệ sinh thái. TX Sông Cầu mong muốn người dân thay đổi, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên và tham gia khai thác có chọn lọc, không sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, nghề cấm để khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái này có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển thủy sản bền vững. Tỉnh đã đưa ra những giải pháp để bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển, giúp cộng đồng ngư dân tham gia khai thác bền vững nguồn lợi, đảm bảo sinh kế và đây cũng là định hướng chung nhằm bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, chống khai thác bất hợp pháp.

Để thực hiện thông điệp “Thủy sản xanh vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”, chúng ta cần phải “Giảm khai thác - tăng nuôi trồng - mở rộng bảo tồn biển”, trong đó cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản là một thiết chế phát huy sức mạnh tổng hợp, mang lại hiệu quả cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tri Phương

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/314955/tang-cuong-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-ven-bo.html