Tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Là địa bàn có nhiều loại tài nguyên khoáng sản (TNKS) có giá trị, thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý TNKS và khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh được tăng cường, từng bước đi vào nền nếp. Từ đó góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự cũng như đem lại hiệu quả KT-XH cho địa phương.

Là địa bàn có nhiều loại tài nguyên khoáng sản (TNKS) có giá trị, thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý TNKS và khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh được tăng cường, từng bước đi vào nền nếp. Từ đó góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự cũng như đem lại hiệu quả KT-XH cho địa phương.

Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng "cát tặc” tại khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận các xã Hợp Thành, Thịnh Minh (TP Hòa Bình).

Tổ công tác liên ngành tuần tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng "cát tặc” tại khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận các xã Hợp Thành, Thịnh Minh (TP Hòa Bình).

Dẹp yên nạn "cát tặc” hoành hành nơi hạ lưu sông Đà

Từng là địa bàn "nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực hạ lưu sông Đà. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (TP Hòa Bình), từ khi có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng địa phương, tại khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận xã quản lý không còn ghi nhận thêm trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép.

Trước thực trạng khai thác cát trái phép tại các địa phương thuộc vùng hạ lưu sông Đà có lưu vực giáp ranh với huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), Ba Vì (Hà Nội) gây bức xúc trong dư luận, các đơn vị chức năng Công an tỉnh, Công an các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều đối tượng, nhóm đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản (cát) trái phép. Điển hình như xử phạt vi phạm hành chính hàng chục triệu đồng đối với các đối tượng: Nguyễn Danh Giang (SN 1988), Nguyễn Danh Quang (SN 1987), Nguyễn Siêu Quyền (SN 1987), cùng trú tại Ba Vì (Hà Nội) sử dụng tàu cuốc để khai thác cát từ lòng sông Đà; đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với các đối tượng sử dụng tàu cuốc số đăng ký PT1812 khai thác cát, sỏi trái phép chuyển sang tàu sắt số hiệu HB0611 và VP0307... Có thể nói, từ việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đã có tính răn đe mạnh, nên từ năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng không phát hiện trường hợp vi phạm, khai thác cát trái phép trên khu vực hạ lưu sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đấu tranh hiệu quả với nạn "cát tặc”, công tác quản lý, bảo vệ TNKS (cát lòng sông) ở hạ lưu sông Đà cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Từ tháng 7/2020, Công an tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thành lập tổ công tác liên ngành do lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy làm nòng cốt, tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm, đến nay tổ công tác vẫn duy trì hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế phối hợp Công an tỉnh đã ký kết với Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Phú Thọ trong công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Đà. Qua đó hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, không nảy sinh phức tạp.

Bảo vệ, quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 73 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng, 44 điểm mỏ sét làm gạch ngói, 10 điểm mỏ cát xây dựng, 20 điểm mỏ đá vôi xi măng, 29 điểm mỏ sét xi măng, 7 điểm mỏ laterit, 79 điểm mỏ đất san lấp, 23 điểm mỏ sắt, 17 điểm mỏ đồng, 17 điểm mỏ chì kẽm, 5 điểm mỏ quặng đa kim, 6 điểm mỏ vàng, 2 điểm mỏ antimon, 1 điểm mỏ khoáng sản niken, 5 điểm mỏ khoáng sản pyrit, 2 khu vực cao lanh, felpat phân tán, nhỏ lẻ, 9 khu vực có khoáng chất công nghiệp (talc), 12 điểm nước khoáng nóng, 25 điểm quặng than, 1 điểm quarzit.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Long, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thời gian qua, UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT và các Bộ có liên quan để xác định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 2.091 khu vực, điểm, tuyến khoanh định cấm hoạt động khoáng sản với diện tích 237.369,10 ha; 152 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 270 ha.

Cùng với đó, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ TNKS, nhất là khoáng sản chưa khai thác, "UBND tỉnh đặc biệt tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông đối với vùng giáp ranh để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định. Từ đó, hạn chế được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý và hoạt động khoáng sản, từng bước đưa các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, đúng quy định và đem lại hiệu quả KT-XH cho địa phương”, đồng chí Nguyễn Khắc Long nhấn mạnh.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/188454/tap-trung-lam-tot-cong-tac-quan-ly,-bao-ve-tai-nguyen-khoang-san.htm