Tên lửa GLSDB quá dễ bị gây nhiễu bởi tác chiến điện tử Nga?

Tên lửa GLSDB bị chính quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận không đáp ứng được mong đợi sau khi xuất hiện trên chiến trường.

Lời phàn nàn về tên lửa GLSDB được đưa ra bởi ông William LaPlante - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Mua sắm và Hỗ trợ, bên lề Diễn đàn an ninh CSIS.

"Một công ty mà tôi không muốn nêu tên đã thực hiện một ý tưởng vô cùng thú vị đó là hoán cải vũ khí không đối đất thành hệ thống tấn công tầm xa trên mặt đất".

"Họ đã làm việc nhanh nhất có thể và chúng tôi thậm chí còn giảm thời gian thử nghiệm chuyến bay. Sau đó chúng tôi đã gửi loại vũ khí này cho Ukraine, đáng tiếc là nó không hoạt động tốt”, ông Laplante cho biết.

Mặc dù tránh đề cập thẳng nhưng theo nhận xét, ông Laplante đang nói về tên lửa GLSDB được phát triển bởi Tập đoàn Boeing, dựa trên việc hoán cải bom hàng không đường kính nhỏ (SDB) có độ chính xác cao GBU-39/B.

Các cuộc thử nghiệm đối với tên lửa GLSDB đã kết thúc vào tháng 12/2023 và đã xuất hiện thông tin đầu tiên về việc loại đạn này chính thức tham chiến tại thời điểm tháng 2/2024.

“Nó không hoạt động tốt vì một số lý do, bao gồm cả việc bị gây nhiễu bởi hệ thống tác chiến điện tử, do bụi bẩn môi trường và việc phóng từ mặt đất, do những đặc thù liên quan đến chiến thuật ứng dụng”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.

Theo nhận xét, một loại đạn tấn công như GLSDB có thể bị hệ thống tác chiến điện tử đối phương gây nhiễu dễ dàng hơn so với tên lửa thông thường bởi đường bay dài, và được hiệu chỉnh trên quỹ đạo cuối cùng.

Khi ở trên không trong thời gian bay tương đối dài, tín hiệu định vị vệ tinh GPS bị can thiệp do tác chiến điện tử có thể gây ra lỗi nghiêm trọng và dẫn đến bắn trượt mục tiêu.

Ngoài ra ghi nhận về các vấn đề liên quan đến "bụi bẩn" vẫn chưa rõ ràng, bởi vì thông thường đạn phải được đựng trong các ống phóng kín kiêm bảo quản, tiêu chuẩn hóa của tổ hợp HIMARS.

Theo giới phân tích, có lý do để tin rằng lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng các bệ phóng khác để bắn loại đạn tầm xa này nhằm gây bất ngờ cho đối phương và đây chính là nguyên nhân sự cố.

Ông Laplante tóm tắt tình hình: “Khi bạn gửi cho những người đang chiến đấu một loại vũ khí không hoạt động tốt, họ sẽ cố gắng sử dụng nó khoảng 3 lần rồi vứt sang một bên”.

Tuy vậy, hiện rất khó để đánh giá liệu binh sĩ Ukraine có thực sự ngừng sử dụng tên lửa tấn công tầm xa GLSDB trong các trận chiến hay không.

Vũ khí này đã được sử dụng ít nhất 3 lần kể từ đầu năm, lần cuối cùng được nhìn thấy vào cuối tháng 3/2024, khi đó GLSDB đã tấn công nơi triển khai máy bay không người lái của Nga.

Ông Laplante nói thêm, GLSDB là vũ khí mới và binh sĩ Ukraine lần đầu tiên sử dụng nó. Để kịp tham chiến, nhiều quy trình đã bị cắt giảm, chính vì vậy giống như bất kỳ loại vũ khí mới nào, GLSDB phải được tinh chỉnh theo kinh nghiệm thực tế.

Tuy nhiên cần lưu ý, hệ thống dẫn đường trên tên lửa GLSDB, vốn được cho là mang từ bom GBU-39/B sang, đã được thử nghiệm đầy đủ trước khi áp dụng.

Đặc biệt, bom GBU-39/B từng được triển khai tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II, do vậy những lời phàn nàn về việc dễ bị gây nhiễu là tương đối khó hiểu và cần nghiên cứu kỹ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-glsdb-qua-de-bi-gay-nhieu-boi-tac-chien-dien-tu-nga-post574703.antd