Thái Bình: Vướng mặt bằng, dự án đường nghìn tỷ nguy cơ chậm tiến độ

Quá trình thi công 8,4km đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài đang gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được mặt bằng.

Tiến độ giải phóng mặt bằng chưa quyết liệt

Ngày 8/5/2022, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức khởi công dự án đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài.

Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình, có tổng chiều dài 8,37km, điểm đầu giao với quốc lộ 10 tại Km 59+950, thuộc địa phận xã Tự Tân (huyện Vũ Thư), điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính (TP Thái Bình).

Tuyến đường được thiết kế công trình giao thông cấp II; Vận tốc tối đa 80km/h, bề rộng mặt đường xe chạy 20,5m. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.039 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Thời gian thực hiện dự án đến ngày 24/10/2024.

Nhà thầu thi công đắp vật liệu lòng mố và tứ nón mố cầu ngang S1.

Những ngày đầu tháng 5/2024, PV Báo Giao thông có mặt tại công trường thi công dự án đường vành đai phía Nam TP Thái Bình và ghi nhận, trên nhiều đoạn tuyến như tại vị trí cầu ngang S1 (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư), đoạn tuyến qua xã Vũ Phúc, cầu Kiến Giang xã Vũ Chính (TP Thái Bình) có nhiều thiết bị máy móc được tập trung, hàng trăm cán bộ, công nhân kỹ thuật đang có mặt hối hả thi công.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn tuyến, nhiều điểm, nhà thầu chưa thể tiến hành thi công do vướng mặt bằng, khiến dự án ngổn ngang, đình trệ, nguy cơ chậm tiến độ là rất lớn.

Hiện, nhiều khu vực dọc tuyến đường còn vướng mặt bằng đất ở và đất nông nghiệp; Tại một số vị trí thuộc địa phận 3 xã: Song An, Hòa Bình và Tự Tân (Vũ Thư) vẫn ngổn ngang công trình hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông, mộ phần...

Nhà thầu đã xây xong hợp phần kết cấu cầu Kiến Giang (xã Vũ Chính, TP Thái Bình).

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài có sản lượng thi công xây lắp ước đạt 392 /776,5 tỷ đồng, đạt 50,5% giá trị hợp đồng.

Trên nền mặt bằng đã được bàn giao, nhà thầu đã thi công giếng cát được 4,2/4,48km; Đang trong thời gian đắp gia tải chờ lún: 2,4/4,48km; Thi công hoàn thành đến lớp cát 5,7/8,37km; Thi công hoàn thành đến lớp cấp phối đá dăm 4,53/8,37km.

Riêng phần cầu đã hoàn thành kết cấu chính của cầu Kiến Giang và cầu ngang S1, hiện đang triển khai thi công đắp vật liệu lòng mố và tứ nón mố.

Tuy nhiên, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) mới chỉ có TP Thái Bình hoàn thành (2,17km xã Vũ Chính và xã Vũ Phúc). Đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện Vũ Thư mới giải phóng được 6,0/6,2km mặt bằng.

Công nhân thi công dải phân cách cứng trên đoạn tuyến thuộc địa phận xã Vũ Phúc, TP Thái Bình.

Theo Ban QLDA, hiện còn 2.745m2 đất nông nghiệp của 4 hộ dân xã Tự Tân chưa thực hiện GPMB; Công tác xác định nguồn gốc đất, ranh giới thửa đất, kiểm đếm tài sản trên đất ở của 31 hộ dân ở 3 xã Tự Tân, Hòa Bình, Song An (huyện Vũ Thư) làm cơ sở lập phương án bồi thường GPMB còn chậm.

Mặt khác, tiến độ xây dựng khu tái định cư mới triển khai vẫn không đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu nên chưa thể bàn giao mặt bằng. Quy hoạch mở rộng nghĩa trang của các xã Song An, Tự Tân hiện nay mới đang được triển khai lập, chưa được phê duyệt, dẫn đến không hoàn thành việc di chuyển mộ trên phạm vi đất của dự án.

Nguy cơ chậm tiến độ

Ông Nguyễn Huy Sơn, Chỉ huy phó hiện trường, đại diện nhà thầu thi công (Liên danh Công ty CP Xuất nhập khẩu Thăng Long - Công ty CP Xây dựng cầu 75 - Công ty CP 873 xây dựng công trình giao thông) cho biết, theo hợp đồng, đến ngày 24/10/2024 phải hoàn thành công trình để bàn giao cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đơn vị mới chỉ nhận được khoảng 6,0/6,2km mặt bằng. Trong đó, khó khăn nhất của nhà thầu hiện nay là ở 3 vị trí vướng mặt bằng tại xã Tự Tân, Hòa Bình, Song An đều phải xử lý nền đất yếu bằng cọc cát có thời gian đắp gia tải tối thiểu 6 tháng

"Nhà thầu đã cơ bản thực hiện xong các phần việc chính, nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao hết mặt bằng thì nguy cơ chậm tiến độ là hiện hữu. Việc bàn giao mặt bằng kiểu "xôi đỗ" khiến chủ đầu tư dự án cũng như đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn do không thể huy động máy móc đồng loạt để thi công đồng bộ, cuốn chiếu", ông Sơn cho biết.

Một vị trí chưa GPMB trên địa bàn xã Tự Tân (Vũ Thư).

Ông Sơn cho hay, việc chậm GPMB đang khiến toàn dự án phải thi công cầm chừng. Nếu từ tháng 6 tới đây mà không được bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công thì nhà thầu sẽ phải tạm dừng, máy móc lại đắp chiếu để không do không có mặt bằng.

"Do vậy, rất mong UBND tỉnh Thái Bình quan tâm, chỉ đạo huyện Vũ Thư sớm GPMB để bàn giao cho dự án theo đúng tiến độ các bên đã đưa ra và cam kết", ông Sơn đề xuất.

Trần Kim

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thai-binh-vuong-mat-bang-du-an-duong-nghin-ty-nguy-co-cham-tien-do-192240503180553548.htm