Tháo gỡ vướng mắc nhằm thu hút vốn đối với khu vực kinh tế hợp tác xã
Nguyên nhân tín dụng đối với hợp tác xã còn thấp là do thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, dịch bệnh cùng với áp lực biến động giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào...
Tính đến cuối tháng Hai, dư nợ tín dụng đối với tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đạt hơn 6.000 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với cuối năm 2023. Trong số đó, dư nợ tín dụng đối với tổ chức hợp tác xã nông nghiệp đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể” do Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức ngày 23/4.
Nhu cầu vay vốn tín dụng của hợp tác xã giảm
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, khả năng tiếp cận nguồn tín dụng của tổ chức kinh tế tập thể hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài vướng mắc liên quan cơ chế chính sách nhà nước, nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng những hạn chế, yếu kém trong nội tại của hợp tác xã là nguyên nhân chính khiến tổ chức kinh tế này gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân tín dụng đối với hợp tác xã còn thấp là do thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế cùng với áp lực biến động giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đầu tư, kết quả kinh của hợp tác xã.
“Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vị hoạt động hẹp, tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu. Vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của hợp tác xã còn hạn chế. Đặc biệt, vấn đề nợ của hợp tác xã, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm,” Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết.
Ngoài ra, theo phản ánh của tổ chức tín dụng, vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác cũng là khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể. Một số hợp tác xã sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thừa nhận phương án kinh doanh của một số hợp tác xã còn thiếu tính khả thi, không đáp ứng được điều kiện vay vốn, ông Tạ Viết Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù để phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước, cắt giảm điều kiện, thủ tục không cần thiết khi các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn ưu đãi và có phương pháp thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay.
Ông Hoàng Công Trúc - Giám đốc hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và điện năng xã Thạch Sơn (tỉnh Phú Thọ) cũng chia sẻ: “Hợp tác xã chúng tôi nhiều lần làm việc với các tổ chức tín dụng để mong vay vốn nhưng không thể tiếp cận được do vướng điều kiện vay như Nghị quyết 100% thành viên ký xác nhận, phải có tài sản thế chấp để đảm bảo vay vốn.”
Gỡ vướng cơ chế, tăng hiệu quả nội lực hợp tác xã
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh trong ngành Ngân hàng, các chính sách ưu đãi cho nông nghiệp-nông thôn, trong đó có hợp tác xã, luôn được quan tâm hàng đầu. Hệ thống Ngân hàng Nhà nước các cấp cũng xác định hợp tác xã là đối tượng cần quan tâm, hỗ trợ, có chính sách gián tiếp, trực tiếp.
Cũng theo ông Tú, vấn đề đặt ra ở đây là tư cách pháp lý của hợp tác xã không đầy đủ, phương thức hoạt động và phương án kinh doanh còn hạn chế, chưa rõ ràng cộng với khả năng tài chính và năng lực sản xuất kinh doanh bị giới hạn nên không tránh khỏi còn hiện tượng tổ chức tín dụng ngại và thiếu mạnh dạn cho hợp tác xã vay vốn.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên cơ sở luật đã ban hành song song với tiếp tục đổi mới, củng cố, sắp xếp lại hợp tác xã cũng như triển khai rà soát, lại chính sách ưu tiên của các bộ ngành theo hướng khuyến khích phát triển và mở rộng hợp tác xã.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Cũng theo ông Tú, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các hợp tác xã nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.
“Các hợp tác xã cần đảm bảo đủ điều kiện, yêu cầu của một tổ chức hợp tác xã về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh..., đảm bảo hoạt động đúng bản chất của hợp tác xã và xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tuân thủ các quy định của mô hình sản xuất liên kết, minh bạch tài chính, dòng tiền, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng cho vay,” Phó Thống đốc cho biết./.