Thấy gì khi sức mua tiêu dùng đang giảm dần?

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, tiêu dùng của người dân đang giảm mạnh, thấp hơn mức tăng trưởng chung, và không còn là động lực lớn cho tăng trưởng.

Trong quý I, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% - mức rất thấp so với thời điểm trước dịch (bình quân 5 năm giai đoạn 2015 - 2019 là tăng 11,5%). Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Chị Trang sống tại Hà Nội cho biết, với mức lương 18 triệu đồng/tháng, trước đây có thể thoải mái chi tiêu. Tuy vậy, từ cuối năm ngoái, khi tiền thuê nhà và nhiều mặt hàng hóa tăng theo giá xăng, chị Trang đã phải cân đối lại kế hoạch chi tiêu của mình.

“Thay vì mua sắm thoải mái như trước, nay tôi chỉ mua những mặt hàng thiết yếu và có khuyến mãi trên mạng hay siêu thị để có thể tiết kiệm một khoản tiền”, chị Trang chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực quần áo thời trang) cho biết, thông thường, những tháng đầu năm sẽ rơi vào tháng Tết, xu hướng mua sắm về thời trang cũng gia tăng.

Vì vậy, doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách kích cầu thu hút khách bằng các chương trình khuyến mãi lên tới 20% hay chiến lược kinh doanh tập trung với đối tượng cụ thể cùng các bộ sưu tập phù hợp cho cưới hỏi, doanh nhân, doanh nghiệp...

Ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Tuy vậy, do kinh tế thế giới và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa có xu hướng tăng, trong khi thu nhập không tăng, buộc người dân phải tiết kiệm chi tiêu… khiến doanh số bán hàng có sự sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

“Nếu như năm trước, lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn. Thế nhưng, năm 2024, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực”, ông Dũng lo ngại.

Động lực tiêu dùng đang giảm dần

Nhìn nhận xu hướng này, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, sau COVID-19, trong bối cảnh xuất khẩu vẫn thiếu vắng các đơn hàng, còn giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa như kỳ vọng thì thúc đẩy tiêu dùng là một nhiệm vụ quan trọng tạo "bệ đỡ" cho tăng trưởng cả năm.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT 2%, hỗ trợ nhóm lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là kích cầu du lịch thông qua cải thiện chính sách visa … nhằm thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng.

“Thực tế, từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá thường ở mức 9 - 10%, cao hơn nhiều với so với tăng trưởng chung và là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thành nêu rõ.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm. Cụ thể, quý 1/2023 tăng 13,9%, loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%; 6 tháng đầu năm 2023, tăng 10,9%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%; 9 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7%, loại trừ yếu tố giá tăng 7,3%; và cả năm 2023 tăng 9,6%, loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%.

Đến quý I, con số này chỉ còn tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,1%). Đặc biệt, mức tăng này đã có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành do có sự phục hồi mạnh mẽ của khách quốc tế vào Việt Nam.

“Tức là tiêu dùng của người dân đang giảm mạnh, thấp hơn mức tăng trưởng chung, và không còn là động lực lớn cho tăng trưởng”, ông Thành quan ngại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trừ đi yếu tố giá từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TCTK - Nguyễn Ngọc tổng hợp).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trừ đi yếu tố giá từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TCTK - Nguyễn Ngọc tổng hợp).

Quan trọng nhất vẫn là lòng tin của người dân

Theo báo cáo mà Infocus Mekong Research công bố đầu năm 2024, người tiêu dùng vẫn chưa chắc chắn về sự phục hồi kinh tế, với mối lo ngại lớn nhất vào năm 2024 là lạm phát, thất nghiệp và suy thoái kinh tế.

Chỉ 27% người tiêu dùng tin rằng sẽ có sự phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2024, trong khi 31% cho rằng điều đó sẽ xảy ra trong nửa cuối năm. Khoảng 57% người tiêu dùng ghi nhận mức tiết kiệm giảm vào năm 2023, trong khi chỉ 24% thấy mức tiết kiệm tăng.

Để thúc đẩy tiêu dùng, ông Thành cho rằng, quan trọng nhất vẫn là lòng tin của người dân về kinh tế phía trước sẽ tốt hơn thì họ sẵn lòng chi tiêu hơn. Do đó, thời gian tới, cùng với kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân), Chính phủ cần cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển thông qua chính sách tài khóa, thuế phí, và chính sách tiền tệ như chính sách tín dụng và giảm lãi suất.

“Điều quan trọng hơn tạo dựng lại niềm tin thị trường nhờ phục hồi kinh tế tổng thể, nhờ phục hồi các thị trường bất động sản, bên cạnh giải quyết vấn đề tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô để người tiêu dùng thấy phía trước là sáng sủa thì họ sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn”, ông Thành nêu rõ.

Còn theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 - 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. Mức tăng 8,2% trong quý I là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Vì vậy, Tổng cục Thống kê đề xuất 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần tăng cường tiêu dùng sản phẩm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và sản xuất trong nước, tiếp tục tuyên truyền và tổ chức vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Thứ hai, phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tuyên truyền và thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường trong và ngoài nước, Hỗ trợ Hiệp hội trong việc tổ chức đào tạo các nhà phân phối nội địa, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước.

Cuối cùng, tiếp tục tăng cường, thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch. Đồng thời triển khai thêm các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế.

“Đây chính là giải pháp và dư địa tốt nhất để lĩnh vực lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành tiếp tục phát triển bùng nổ, tác động lan tỏa tới tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam”, bà Phương nhấn mạnh.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thay-gi-khi-suc-mua-tieu-dung-dang-giam-dan.html