Thế nào là 'gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội'?

Trong Văn bản số 1179/VKSTC-V14, VKSND Tối cao đã giải đáp một số vướng mắc liên quan đến hình sự và tố tụng hình sự.

Ngày 1-4, VKSND Tối cao đã ban hành Văn bản số 1179/VKSTC-V14 giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp trong năm 2023.

Hướng dẫn về khoản 6 Điều 134 BLHS

Trong văn bản, VKSND Tối cao đã giải đáp một số vướng mắc liên quan đến hình sự, tố tụng hình sự.

Cụ thể, VKSND tỉnh Thanh Hóa nêu vướng mắc tại khoản 6 Điều 134 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Khoản này quy định trường hợp khung hình phạt đối với “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác..."

Lý do là trên thực tế những hành vi này thường được các cơ quan tố tụng xem xét, xử lý về tội gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 155 BLTTHS quy định khởi tố khi có yêu cầu của bị hại đối với khoản 1 Điều 134 mà không quy định đối với khoản 6 Điều 134 BLHS.

VKSND tỉnh Thanh Hóa cho rằng tính chất mức độ nguy hiểm của khoản 6 Điều 134 BLHS không bằng khoản 1 Điều 134 BLHS vì chưa có đối tượng bị tác động, ảnh hưởng.

Nếu bị hại không yêu cầu khởi tố liệu cơ quan tố tụng có đủ căn cứ khởi tố theo khoản 6 Điều 134 BLHS hay không? Nếu cơ quan tố tụng khởi tố theo khoản 6 Điều 134 BLHS mà không có yêu cầu của bị hại sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tùy nghi hoặc nhầm lẫn với tội “gây rối trật tự công cộng”?

Các bị cáo trong một vụ gây rối trật tự công cộng do TAND TP.HCM xét xử. Ảnh: SONG MAI

Giải đáp vấn đề này, theo VKSND Tối cao, khoản 6 Điều 134 là để xử lý ngăn chặn sớm đối với các hành vi chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tức là chưa có bị hại và chưa có hậu quả xảy ra nhưng không thể lường trước được mức độ nguy hiểm sẽ xảy ra như thế nào nếu không được ngăn chặn, phòng ngừa sớm. Do vậy, không thể áp dụng theo trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo Điều 155 BLTTHS.

Đồng thời, để xử lý tội phạm theo khoản 6 Điều 134 và Điều 318 BLHS (tội gây rối trật tự công cộng) thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập, đánh giá, chứng minh đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, bảo đảm xác định đúng bản chất sự việc và xử lý nghiêm hành vi và người phạm tội để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự... là như thế nào?

Liên quan đến tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318), VKSND các tỉnh Quảng Bình, Kon Tum, Bình Thuận thắc mắc về tình tiết định tội “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Đây cũng là tình tiết định khung cơ bản, khung tăng nặng của một số loại tội phạm tại BLHS.

Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng thống nhất đường lối xử lý.

Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn nhưng để thống nhất, các địa phương có thể tham khảo một số văn bản như Công văn số 1120/VKSTC-V14 ngày 28-3-2023; Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao...

Theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo khoản 3 các Điều 353, 355 BLHS là một trong các trường hợp sau:

- Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước;

- Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân;

- Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Hướng dẫn một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

Một số VKS gặp khó khăn trong xem xét, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS như: “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”; “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên”; “có tính chất côn đồ”...

Theo VKSND Tối cao, các tình tiết nêu trên chưa được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” có thể xem hướng dẫn tại mục 5.1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để phối hợp xử lý vì hiện còn phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là trường hợp người phạm tội: (i) cố ý thực hiện tội phạm từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xóa án tích và (ii) lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Về tình tiết “phạm tội do lạc hậu” có thể tham khảo Sổ tay Thẩm phán của TAND Tối cao. Theo đó, “lạc hậu” là không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội do lạc hậu" nếu lạc hậu đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại, như do đời sống xã hội nên không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về pháp luật, không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết các đúng, sai trong cuộc sống...

Về tình tiết “có tính chất côn đồ” (điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS), có thể tham khảo cuốn sách “Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy”.

Theo đó, “phạm tội có tính chất côn đồ” là trường hợp người phạm tội thể hiện sự hung hãn, manh động, bất chấp lý do, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Ví dụ như chỉ vì va chạm, mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống mà người phạm tội đã sử dụng vũ lực tước bỏ hoặc xâm phạm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người khác...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-nao-la-gay-anh-huong-xau-den-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-post784698.html