Thêm chính sách hỗ trợ, tôn vinh nhà giáo

Lương giáo viên được đề xuất xếp ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, việc chủ trì tuyển dụng nhà giáo được giao cho cơ quan chuyên môn

Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến rộng rãi đã đưa ra nhiều quy định tạo động lực cho người dạy và học cũng như tôn vinh nhà giáo.

Luật hóa để bảo đảm bền vững

Theo dự thảo luật, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương đối với nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, thâm niên, chức danh trong cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù sẽ được hưởng chế độ đặc thù.

Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số và dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật. Đồng thời, có chính sách thu hút đối với người tài để trở thành nhà giáo.

Đáng chú ý, dự thảo luật đưa ra chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới... Chính sách ưu đãi gồm nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo, ưu tiên tuyển dụng...

Bên cạnh đó, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng khi đề xuất cải cách tiền lương, lĩnh vực giáo dục và y tế có mức phụ cấp nghề cao nhất - 30%. Tổng quỹ lương cơ bản của ngành này cũng đang ở nhóm cao nhất. Tuy nhiên, cần thể chế hóa để bảo đảm sự bền vững, đặc biệt là luật hóa chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Trong ảnh: Giờ lên lớp của giáo viên Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Trong ảnh: Giờ lên lớp của giáo viên Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH

Cải cách về tuyển dụng

Liên quan tuyển dụng giáo viên, dự thảo luật quy định các cơ sở sau được trực tiếp tuyển nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học: cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác, cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.

Việc tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo. Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quy định cụ thể điều này.

TS Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ GD-ĐT, đánh giá quy định hiện hành về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Việc phân cấp tại địa phương trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Nếu dự luật này được thông qua, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ có thay đổi đáng kể khi giao cho cơ quan chuyên môn là sở GD-ĐT chủ trì tuyển dụng, thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ chủ trì như hiện nay.

Trong phiên họp toàn thể mới đây của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc quản lý nhà nước đối với nhà giáo phải dựa trên nguyên tắc thống nhất trong toàn ngành, thông suốt từ trung ương đến địa phương. Mục tiêu là làm sao phát triển đội ngũ tốt nhất; quản lý, khai thác, điều hành và phát huy tốt nhất từ việc tuyển dụng, luân chuyển đến điều động, bổ nhiệm. Dù vậy, việc quản lý vẫn trên cơ sở bảo đảm quyền quản lý nhà nước và trách nhiệm của ngành nội vụ cũng việc phân cấp địa phương.

Cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề?

Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, quy định về chứng chỉ hành nghề vẫn được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề.

Dự luật quy định nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Một trường hợp khác cũng được cấp là nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày luật này có hiệu lực, nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Ngoài ra, các trường hợp nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu thì cũng được cấp chứng chỉ hành nghề. Các nhà giáo có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lại chứng chỉ hành nghề khi bị mất hoặc hư hỏng.

Góp ý nội dung này, TS Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục Trường ĐH Thành Đô (TP Hà Nội), cho rằng nếu triển khai "không cẩn thận", chứng chỉ hành nghề có thể trở thành một loại giấy phép cản trở sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo.

TS Phạm Hiệp gợi ý nếu quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề thì nên thực hiện theo hướng ai đã học chuyên ngành sư phạm, tốt nghiệp ra trường sẽ có ngay giấy này. Các nội dung kiểm tra, đánh giá nên tích hợp ngay trong trường sư phạm. Còn với người không học chuyên ngành sư phạm, muốn trở thành nhà giáo thì cần phải trải qua một kỳ sát hạch để kiểm tra việc thực hành nghiệp vụ sư phạm, giảng dạy thử, kiến tập, đánh giá chuyên môn trong một khoảng thời gian. Sau đó, nếu đáp ứng đủ điều kiện, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp để có thể hành nghề nhà giáo.

YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-chinh-sach-ho-tro-ton-vinh-nha-giao-196240516204544363.htm