Thị trường chứng khoán: Tâm lý thận trọng duy trì khiến dòng tiền eo hẹp

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua tiếp tục có một tuần giao dịch kém tích cực. Thị trường suy giảm khá mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản khi tâm lý thận trọng vẫn bao trùm. Xu hướng điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn, song thị trường tuần tới (6 - 10/3) có thể sẽ có nhịp hồi trước tác động tâm lý của Nghị định 08/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Những quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP

Ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các ...

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (27/2 - 3/3) tiếp tục chứng kiến sự suy giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Theo đó, tiếp nối đà giảm tuần kế trước, chỉ số VN-Index tìm mức đáy mới kể từ đầu năm, đây cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp và cũng là tuần giảm thứ 4 trong 5 tuần trở lại đây, xuống mức 1.024,77 điểm, giảm -14,8 điểm, tương đương giảm -1,42% so với tuần kế trước. Trên sàn HNX, hai chỉ số chính cũng đóng cửa trong bối cảnh tương tự, khi HNX-Index kết tuần tại 204,9 điểm, giảm -1,2% so với tuần trước và UPC0M-Index đóng cửa tại 75,8 điểm, giảm -1,2% so với tuần trước.

Áp lực tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và thông tin về việc sẽ tạm ngừng đề xuất gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng, cũng như những thông tin kém tích cực liên quan tới nhóm bất động sản, ngân hàng là các nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm trong tuần qua.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có nhiều quy định theo hướng hỗ trợ bên cung và bên cầu trên thị trường. Thông tin này có thể tạo tâm lý tích cực hơn cho nhà đầu tư khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thêm cơ hội giảm bớt khó khăn.

Cũng như điểm số, thanh khoản thị trường tuần qua giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm -32,4%, lên mức 8.739 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản khớp lệnh cũng sụt giảm -36,2%, xuống 7.322 tỷ đồng so với tuần trước đó. Kể từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt 10.722 tỷ đồng, giảm -47,86% so với năm 2022.

Tâm lý tiêu cực lan rộng toàn thị trường khi nhiều mã cố phiếu đầu ngành giảm mạnh như MSN (-11,5%), VCB (-2,8%), MWG (-6,4%), GAS (-1,9%), HPG (-2,2%) và FPT (-2,9%). Nhóm bất động sản vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm và liên tục dò đáy như NVL (-9,2%), DIG (-14,9%), KDH (-6,4%) và NLG (-4,0%). Ngành ngân hàng cũng hầu hết giảm điểm trong tuần qua, chỉ trừ BID (+2,9%), STB (+2,9%) và HDB (+1,7%). Ngược lại, chiến lược phòng thủ phát huy hiệu quả trong bối cảnh thị trường ảm đạm, dẫn dắt bởi các cổ phiếu ngành điện như POW (+2,9%), NT2 (+2,6%), PPC (+5,1%) và TV2 (+6,6%).

Đà giảm của thị trường có sự đóng góp của khối ngoại khi tiếp tục bán ròng. Theo đó, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng -1.219 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng 39 tỷ đồng trên sàn HNX và bán ròng 7 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Như vậy, khối ngoại bán ròng sang tuần thứ 3 liên tiếp và cũng là tuần bán ròng thứ 4 kể từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, lũy kế kể từ đầu năm, dòng vốn ngoại vẫn mua ròng tổng cộng 3.380 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Dòng vốn qua các quỹ ETF chứng kiến tuần rút ròng đầu tiên kể từ khi khối ngoại bán ròng. Như vậy, sau một năm vào ròng 921 triệu USD, dòng tiền ngoại tiếp tục chọn kênh ETF để giải ngân 141 triệu USD kể từ đầu năm 2023 đến nay, tương đương 3.285 tỷ đồng.

Nhận định về thị trường chứng khoán tuần tới (6 - 10/3) các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước vẫn tiếp tục thận trọng trước xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, chỉ số VN-Index đã đánh mất vùng hỗ trợ 1.030 - 1.035 điểm, chính thức phá vỡ xu hướng đi ngang trước đó. Xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên giao dịch đầu tuần tới trước khi lực cầu bắt đáy xuất hiện tại vùng hỗ trợ quanh 1.000 điểm (+/-10 điểm) có thể giúp thị trường hãm lại đà giảm điểm.

Thị trường trong nước tháng 3 này cũng có nhiều sự kiện tác động, tuy nhiên lại tập trung ở tuần từ 17/3 - 23/3 với việc 2 quỹ ETF cơ cấu danh mục quý I và ảnh hưởng từ phiên họp của FED.

Theo chuyên gia của MBS, tuần tới có thể là vùng đệm để thị trường chiết khấu các rủi ro phía trước, cũng như cân bằng với các thông tin hỗ trợ từ việc các ngân hàng có đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động, qua đó góp phần giảm lãi suất cho vay, giảm áp lực chi phí vốn đối với doanh nghiệp kể từ ngày 6/3/2023. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5 - 2,0 điểm phần trăm so với mức cho vay thông thường.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có nhiều quy định theo hướng hỗ trợ bên cung và bên cầu trên thị trường. Thông tin này có thể tạo tâm lý tích cực hơn cho nhà đầu tư khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thêm cơ hội giảm bớt khó khăn.

Về kỹ thuật, chuyên gia của MBS cho rằng, xu hướng điều chỉnh giảm vẫn chưa kết thúc và thị trường có thể chứng kiến lực cầu bắt đáy mạnh hơn ở vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm. Nhà đầu tư không nên mua đuổi trong các nhịp tăng mạnh, mà nên giải ngân từng phần theo tỷ trọng. Danh mục cổ phiếu tiềm năng có thể ở các nhóm như: dầu khí, đầu tư công (gồm cả thép), sản xuất điện…, bên cạnh đó nhóm cổ phiếu xuất khẩu cũng nên theo dõi như: thủy sản, cảng biển…

Xu hướng điều chỉnh vẫn đang tiếp diễn, các chỉ báo kỹ thuật cũng đang cho thấy điều này. Hiện chỉ số VN-Index đã đánh mất các ngưỡng MA (đường trung bình động) quan trọng, vùng hỗ trợ gần nhất là mức đáy tháng 2 ở khu vực 1.013 - 1.018 điểm. Với việc thanh khoản đang giảm về mức thấp hơn 2 năm qua, cho thấy dòng tiền bắt đáy đang kiền trì chờ đợt các ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn như ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Đây cũng là ngưỡng hỗ trợ của đường xu hướng giảm từ tháng 4/2022.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-tam-ly-than-trong-duy-tri-khien-dong-tien-eo-hep-122873.html