Thiếu quy hoạch khiến nuôi trồng hải sản chậm phát triển
Nuôi trồng hải sản là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành thủy sản ở nước ta. Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp, người dân có tâm lý ngại đầu tư vì lo sợ rơi vào khu vực quy hoạch, bị thu hồi để làm resort, khu phức hợp... Nguyên nhân đến từ việc chưa có quy hoạch cụ thể về nuôi biển.
Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển theo Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Khoản 3, Điều 4 Nghị định này nêu rõ, việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng tài nguyên biển phải phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Mặc dù vậy, theo đồng chí Nguyễn Thanh Huyên, chuyên viên Phòng Chính sách và Pháp chế (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường), từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa giao được một khu vực biển nuôi trồng thủy sản nào. Việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh cũng chưa có một quyết định nào do vướng về quy hoạch. Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu giao khu vực biển để phát triển nuôi trồng hải sản trên cả nước là rất lớn. Tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đang sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao theo quy định của pháp luật về thủy sản và pháp luật về giao khu vực biển. Điều này gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô các mô hình sản xuất.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông (Ninh Thuận) cho biết: "Là doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước xây dựng thành công quy trình sinh sản mực nhân tạo. Thời gian qua, chúng tôi rất nóng lòng sản xuất sản phẩm thương phẩm. Tuy nhiên, vì vướng quy hoạch về giao quyền sử dụng mặt nước biển nên những dự định của doanh nghiệp vẫn chỉ là mục tiêu trên giấy. Chúng tôi đã hoàn thành quy trình sinh sản mực nhân tạo, nhưng để sản xuất thương phẩm phải mở rộng lồng nuôi 1ha/lồng. Phải được cấp phép mới đầu tư được mà hiện nay, chưa có quy hoạch thì rất khó”.
Vấn đề triển khai giao thuê mặt nước biển, cấp phép nuôi biển theo luật phải căn cứ vào Quy hoạch không gian biển và quy hoạch của địa phương. Trong khi cả hai quy hoạch này đều đang chậm thì các doanh nghiệp, hộ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn ngay từ khâu cấp phép đầu tư. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần STP Group chia sẻ: "Tập đoàn phát triển mô hình nuôi biển từ năm 2019, nhưng từ đó đến nay chưa được cấp mã vùng nuôi nào. Ngoài ra, chúng ta chưa có giải pháp truyền thông đúng đắn về cấp mã vùng nuôi, khiến các địa phương nhận thức còn chậm và bị động trong triển khai công tác quy hoạch và giao mặt nước biển cho cá nhân, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng hải sản".
Chia sẻ với người dân, doanh nghiệp về vấn đề này, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: “Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch không gian biển. Quy hoạch tỉnh thì các địa phương đang rốt ráo. Tôi cũng đã ý kiến với các tỉnh là phải có quy hoạch cụ thể, phân ô để giao khu vực biển dễ dàng. Thứ hai là sửa đổi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP theo hướng hồ sơ và thời gian rút ngắn lại”.
Chuyển dịch từ khai thác hải sản thiếu bền vững sang nuôi biển, phát triển nuôi biển thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp là hướng đi đầy triển vọng của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để hình thành một ngành công nghiệp tiến dần ra khơi xa, chiếm lĩnh mặt biển thì những vấn đề đang tồn đọng của ngành nuôi biển cần sớm được tháo gỡ.
Bài và ảnh: TUẤN PHONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.