Thủ tướng Thái Lan thúc đẩy tầm nhìn 'ASEAN liền mạch'
Tạp chí Nikkei Asia ngày 18/1 cho hay, tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), sự kiện đang được tổ chức từ ngày 15 - 19/1 ở Davos của Thụy Sĩ, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã đưa ra tầm nhìn biến các quốc gia Đông Nam Á thành một điểm đến duy nhất đối với khách du lịch, tìm cách thu hút sự quan tâm của quốc tế trong khu vực này.
Trả lời câu hỏi thế giới có thể mong đợi điều gì ở khu vực Đông Nam Á trong 5 - 10 năm tới, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho rằng, đó là “ASEAN liền mạch”.
Ý tưởng này là để 10 quốc gia thành viên giữ được “lợi thế riêng” của mình, đồng thời tạo ra một khuôn khổ, nơi các nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài có thể đi đến một quốc gia thành viên ASEAN và có thể tự do hoạt động và đi lại giữa các quốc gia thành viên khác, ông Srettha Thavisin cho biết trong một phiên họp về ASEAN. Một trong những ví dụ cụ thể hơn được Thủ tướng Thái Lan nêu ra là thỏa thuận du lịch “Bốn quốc gia - một điểm đến” với Việt Nam, Campuchia và Lào.
Theo Nikkei Asia, khái niệm này có phần giống với Hiệp ước Schengen của châu Âu, trong đó các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ được bãi bỏ và quyền tự do đi lại đối với tất cả các công dân được cấp phép tại những quốc gia ký kết.
Phát biểu với Nikkei Asia sau phiên họp nói trên, ông Srettha Thavisin cho rằng, 4 quốc gia đã gần đạt được thỏa thuận.
Được biết, kế hoạch ban đầu đã được tiết lộ tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản hồi tháng trước, trong Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản.
Cũng trong phiên họp này, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin lưu ý, trong khi chi phí lao động rẻ hơn đã thu hút các tập đoàn nước ngoài đến các quốc gia ASEAN, thì cần có những động lực khác liên quan. Những tiêu chí cần có là sự cạnh tranh về năng lượng sạch, trường học quốc tế chất lượng, thị trường vốn hiệu quả, không tham nhũng và dễ dàng kinh doanh.
Trong khi thừa nhận lao động giá rẻ là một “thực tế”, Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết, ông đang đàm phán với các nhà lãnh đạo của khối khu vực này, để nâng mức lương tối thiểu, nhằm nâng cao các quyền lợi và sinh kế của người lao động. Đề xuất này cũng đối mặt với những thách thức, bao gồm mức độ phát triển khác nhau trong khối và sự cạnh tranh của họ đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.