Thực hư giá vé máy bay cao

Những ngày qua, dư luận đề cập khá nhiều về tình trạng giá vé máy bay tăng cao trong dịp 30-4, 1-5 tới. Nhiều ý kiến cho rằng giá vé máy bay cao quá so với sức mua của người dân. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế còn đề nghị cơ quan quản lý vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân giá vé cao. Muốn xem giá vé máy bay cao hay thấp, trước hết, cần hiểu rõ về các loại vé và các quy định đối với giá vé máy bay.

Hiểu đúng về các hạng vé

Vé máy bay hiện được chia thành 2 loại: Vé máy bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam (vé quốc tế) và vé máy bay nội địa (vé nội địa). Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, đối với vé quốc tế, các hãng hàng không được tự quyết định mức giá và phải thông báo theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.

Đối với vé nội địa, vé sẽ được phân theo hai hạng gồm hạng Phổ thông cơ bản và hạng có các dịch vụ tăng thêm. Hạng phổ thông cơ bản là hạng bao gồm các dịch vụ cơ bản cho hành khách trong suốt chuyến bay. Hạng vé này sẽ do các hãng quyết định giá trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Theo khung giá mới nhất, có hiệu lực từ ngày 1-3-2024, giá vé nội địa hạng phổ thông cơ bản được chia theo 5 nhóm đường bay, trong đó mức vé thấp nhất được áp dụng cho nhóm đường bay ngắn nhất (dưới 500km) có mức giá tối đa là 1.600.000 đồng/vé một chiều; mức vé cao nhất được áp dụng cho đường bay dài nhất (từ 1.280km trở lên) có mức giá tối đa là 4.000.000 đồng/vé một chiều. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT và các khoản thu hộ cho cảng hàng không.

Khai thác hàng không dân dụng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: BẢO LINH

Hạng vé có các dịch vụ tăng thêm sẽ do các hãng quyết định mức giá trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng và nhu cầu thị trường. Đây là hạng vé nhằm đáp ứng nhu cầu của những hành khách có tài chính dư dả hơn, muốn trải nghiệm các tiện ích nâng cao trên chuyến bay. Giá hạng vé này đương nhiên sẽ cao hơn giá vé phổ thông cơ bản.

Hiện nay, hạng vé có dịch vụ tăng thêm của một số hãng hàng không như Vietnam Airlines có vé hạng Thương gia, hạng Phổ thông đặc biệt; Vietjet có hạng Business, Skyboss, Deluxe; Bamboo Airways có hạng Business. Theo thống kê, số lượng vé hạng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vé của một chuyến bay.

Vì sao có thông tin giá vé cao ngất ngưởng?

Bên cạnh hạng vé Phổ thông cơ bản, vé máy bay còn hạng vé có dịch vụ tăng thêm. Do đó, mỗi chặng bay sẽ có nhiều hạng vé khác nhau, nhiều mức giá khác nhau tùy theo từng khung giờ, phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng hành khách.

Ở đây, chỉ xét đến giá vé phổ thông cơ bản, bởi đây là giá vé các hãng phải bán theo quy định khung giá, phục vụ số lượng hành khách đông nhất của mỗi chuyến bay.

Nếu xem xét giá vé hạng phổ thông cơ bản, sẽ thấy giá vé này không bao giờ vượt giá trần quy định. Hiểu nôm na, vé phổ thông cơ bản ở chặng bay dài nhất, nếu bán giá cao nhất cũng không bao giờ vượt 4.000.000 đồng/vé/một chiều (chưa tính VAT và các khoản thu hộ cho cảng hàng không). Giá vé cũng được thể hiện tại website của các hãng hàng không. Vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định các hãng hàng không đang thực hiện đúng quy định về giá vé.

Tuy nhiên, khi phản ánh giá vé, nhiều người cố tình lấy giá vé cao nhất ở khung giờ đẹp của hạng vé có dịch vụ tăng thêm rồi khẳng định rằng giá vé cao ngất ngưởng. Điều này không phản ánh đúng bản chất của thị trường giá vé máy bay.

Ngay cả khi lấy giá vé phổ thông cơ bản ở ngày cao điểm so với ngày thấp điểm, cũng là so sánh khập khiễng bởi vào dịp lễ, Tết, nhu cầu của khách hàng tăng rất cao, nên không chỉ vé máy bay mà nhiều mặt hàng cũng sẽ được điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình cung ứng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.

Đối với ngành hàng không, dịp lễ, Tết luôn xảy ra tình trạng “lệch đầu” (1 chiều bay ít khách, 1 chiều bay đông khách). Tức là, các hãng sẽ phải chịu lỗ cao ở chiều bay ít khách để đưa máy bay tới phục vụ cho chiều bay đông khách, dẫn tới việc các hãng phải xây dựng các mức giá vé đảm bảo quyền lợi cho cả hãng và hành khách.

Thêm nữa, ngay cả trong thời điểm dễ dàng bổ sung máy bay nhất, các hãng hàng không cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của hành khách. Còn hiện tại, hàng không trên thế giới đang thiếu máy bay nên việc đảm bảo phục vụ hành khách là nỗ lực rất lớn của các hãng.

Hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng cao dịp lễ, Tết. Ảnh: PHAN CÔNG

Có nên đổ lỗi cho giá vé máy bay?

Giá vé máy bay chỉ là một phần trong toàn bộ chi phí của cả chuyến đi, du lịch của bất cứ gia đình nào. Ngoài vé máy bay, còn các chi phí khác gồm ăn ở, vui chơi, mua sắm… Tùy thuộc vào khoảng cách và thời gian đặt vé, chi phí vé máy bay có thể chiếm 10-40% tổng chi phí chuyến đi.

Chi phí ăn ở được xem là phần quan trọng nhất của một chuyến đi, quyết định đến việc chuyến đi có đem lại cho bạn niềm vui hay không. Khoản này dao động từ 30-50% tổng chi phí, tùy thuộc vào loại hình lưu trú và sở thích ẩm thực của từng gia đình. Chi phí vui chơi, tham quan, mua sắm chiếm từ 10-30% tổng số tiền chi tiêu. Chi phí đi lại tại điểm đến, đi lại giữa điểm đi, điểm đến và sân bay (taxi, xe buýt, xe ôm) chiếm 5-15% tổng số tiền chi tiêu. Như vậy, trừ tiền vé máy bay, với kỳ nghỉ càng dài, nơi lưu trú càng cao cấp, các khoản chi phí khác sẽ càng cao.

Gần đây, một số thông tin nói tour du lịch nước ngoài rẻ hơn tour trong nước. Điều này cũng bình thường bởi không phải điểm đến nào ở nước ngoài cũng thuận tiện và thu hút đông đảo du khách Việt bằng các điểm đến trong nước. Chưa kể, nhiều điểm du lịch tại Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế. Điều này vô hình khiến mặt bằng giá cả tại đây tăng cao hơn vào những thời gian cao điểm. Việc đánh giá một chuyến du lịch đắt hay rẻ, đánh giá vé máy bay đắt hay rẻ cần nhìn nhận trên tổng thể toàn bộ chi phí chuyến đi, thay vì chỉ bóc tách riêng giá vé máy bay.

LAN CHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-hu-gia-ve-may-bay-cao-774140