Thương mại biên giới: Duy nhất xuất nhập khẩu qua Trung Quốc tăng trưởng dương

Trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam năm 2023, chỉ duy nhất sang Trung Quốc ghi nhận sự tăng trưởng dương.

Thông tin được đưa ra tại ‘Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023’, được Bộ Công Thương công bố sáng nay (ngày 16/5), tại Hà Nội.

Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 đạt 42,7 tỷ USD, tăng 63,9% so với năm 2022

Trong tuyến thương mại biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 nêu rõ, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam sang Trung Quốc đạt 42,7 tỷ USD, tăng 63,9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 17,2 tỷ USD, tăng 342,4%; nhập khẩu đạt 25,5 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam sang Trung Quốc đạt 42,7 tỷ USD, tăng 63,9% so với năm 2022

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam sang Trung Quốc đạt 42,7 tỷ USD, tăng 63,9% so với năm 2022

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt - Trung năm 2023 chủ yếu vẫn là cao su và các sản phẩm từ cao su, các mặt hàng nông sản, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, trái cây tươi các loại, thủy sản, gỗ ván bóc, v.v. ; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: máy móc thiết bị, điện năng, phân bón các loại, than cốc, nguyên liệu lá thuốc lá, trái cây tươi, v.v.

Để có được những kết quả đó, các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các đơn vị có liên quan đã tích cực, chủ động, linh hoạt phối hợp trong công tác quản lý biên giới, đảm bảo ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ để theo dõi, nắm bắt, trao đổi thông tin về tình hình, chính sách quản lý cửa khẩu, biên giới, chính sách và quy định xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc, qua đó, kịp thời xử lý, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh, hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp và tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Thương nhân xuất khẩu đã từng bước đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc như các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,...

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung hiện vẫn còn một số khó khăn như: Hạ tầng kho bãi tập kết, kiểm tra giám sát hàng hóa tại một số cửa khẩu như Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Bắc Luân II, Tân Thanh chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có hệ thống kho bãi chuyên dụng để lưu giữ hàng hóa, bảo quản theo chế độ đặc biệt (như hóa chất, hàng đông lạnh). Có thời điểm lưu lượng hàng hóa, phương tiện tăng đột biến dẫn tới lượng xe lưu tại khu vực cửa khẩu tăng.

Ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn, việc triển khai xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và vận hành ‘‘Luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản tại Tân Thanh - Pò Chài chưa thực hiện được theo tinh thần Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai bên. Việc mở, nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nghi Quan (mốc 1036), trong đó có lối thông quan đường bộ qua mốc 1035 đến nay vẫn chưa thống nhất để thực hiện. Thời gian hoạt động của cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm vẫn chưa được chính quyền hai tỉnh - khu thống nhất để bổ sung vào Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng tại một số cửa khẩu đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa có nhà kiểm soát liên hợp nên khó khăn trong việc bố trí các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.

Thương mại biên giới Việt Nam - Lào năm 2023 đạt 1,57 tỷ USD, giảm 0,63% so với năm 2022

Không được sôi động như hoạt động xuất nhập khẩu biên giới với Trung Quốc, tuyến biên giới Việt Nam - Lào trong năm 2023 có kết quả kém hơn so với năm 2022.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với nước bạn Lào

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với nước bạn Lào

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào qua các cửa khẩu biên giới đạt 1,57 tỷ USD, giảm 0,63% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 487,073 triệu USD, giảm 13,46%; nhập khẩu đạt 1,08 tỷ USD, tăng 5,88% so với năm 2022.

Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt - Lào năm 2023 chủ yếu vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, hàng rau quả, xơ và sợi dệt các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phương tiện vận tải khác và phụ tùng, xăng dầu,...; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Ngô, quặng và khoáng sản khác, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, phân bón các loại, than các loại,...

Việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như phát triển kết nối kinh tế giữa hai nước. Hai bên đã tăng cường hợp tác tích cực trong công tác phát triển thương mại biên giới, đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, thảo luận, trao đổi bài học kinh nghiệm và phối hợp trao đổi tài liệu, thông tin; đồng thời hỗ trợ nhau theo dõi, quản lý công tác thương mại biên giới, đây là điều kiện thuận lợi về thương mại cho nhân dân và doanh nghiệp hai nước.

Mặc dù địa lý biên giới giữa Việt Nam - Lào đều là vùng núi cao, địa hình phức tạp nhưng do có chính sách trong hợp tác và truyền thống hữu nghị đặc biệt, nên đã trở thành nguồn động lực kết nối giữa nhân dân hai nước. Các tuyến đường kết nối theo hành lang biên giới được xây dựng, nhiều cửa khẩu dọc tuyến biên giới đã được phát triển và nâng cấp để đáp ứng không chỉ giao thông đi lại, thăm thân mà còn là con đường cho quan hệ trao đổi, mua bán hàng hóa. Các tỉnh đã chủ động xây dựng cơ chế phối hợp giữa tỉnh với tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vấn đề khi phát sinh.

Mặc dù một số tỉnh chưa có chợ cửa khẩu biên giới nhưng nhìn chung thương mại biên giới, nhất là trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân dọc tuyến biên giới đang diễn ra sôi nổi và ngày càng phát triển hơn. Việc tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng hóa đã tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, khuyến khích hàng hóa của mỗi nước xâm nhập được vào thị trường của nhau. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu và gian lận thương mại giữa hai nước tại khu vực biên giới đã thu được nhiều kết quả; đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu qua biên giới, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thương mại biên giới Việt Nam - Lào hiện vẫn còn một số khó khăn như: Chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.

Hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, mang tính thời vụ, số lượng mặt hàng còn ít, giá trị thấp, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Đáng chú ý, do đặc thù của buôn bán qua biên giới và thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, nhu cầu thanh toán, chuyển đổi tiền tệ tại khu vực biên giới còn thấp làm cho các ngân hàng thương mại gặp khó khăn khi mở chi nhánh, phòng giao dịch tại các cửa khẩu do doanh thu không đảm bảo được chi phí.

Ngoài ra, việc thu phí, lệ phí bến bãi, các phương tiện quá cảnh qua biên giới giữa hai nước tại một số nơi còn chưa rõ ràng, thống nhất.

Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2023 đạt 6,14 tỷ USD, giảm 23,7% so với năm 2022

Trong năm 2023, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt 6,14 tỷ USD, giảm 23,7% so với năm 2022, trong đó, xuất khẩu đạt 2,87 tỷ USD, giảm 16,3%; nhập khẩu đạt 3,27 tỷ USD, giảm 29,2% so với năm 2022.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia các mặt hàng dệt may, nguyên phụ liệu dệt, may

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia các mặt hàng dệt may, nguyên phụ liệu dệt, may

Về cơ cấu mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia các mặt hàng: dệt may, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày,... Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng: cao su, hạt điều,...

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về thương mại và thương mại biên giới song phương ngày càng được hoàn thiện và được quan tâm rà soát, điều chỉnh. Hai bên đã ký kết thành công Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia vào ngày 8/11/2022. Hiệp định được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước ở khu vực biên giới với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là cư dân sinh sống ở khu vực biên giới. Đồng thời, Hiệp định được kỳ vọng cũng sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới ngày càng được Chính phủ hai nước quan tâm đầu tư phát triển, đường giao thông khu vực biên giới, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa đã từng bước được nâng cấp. Công tác xúc tiến thương mại với thị trường Campuchia được triển khai thường xuyên, liên tục cả ở trong nước và tại Campuchia.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn do hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia có cơ cấu tương đồng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc và chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã và giá cả.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương: Thời gian qua, công tác cập nhật thông tin về tình hình thị trường cho các doanh nghiệp, thông tin về cơ chế chính sách, về những quy định mới của các thị trường để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh... luôn được Bộ Công Thương chú trọng. Báo cáo Xuất nhập khẩu thường niên là một trong những hoạt động để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hiệu quả.

Đây là ấn phẩm thường niên được Bộ Công Thương phát hành từ năm 2016 đến nay. Báo cáo cung cấp cái nhìn tổng quan về bức tranh xuất nhập khẩu trong cả một năm bao gồm: Tình hình xuất nhập khẩu theo từng mặt hàng, theo các thị trường cụ thể, đồng thời cũng là cái nhìn tổng quan về tất cả những hoạt động quản lý nhà nước, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong năm đó.

Song Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-bien-gioi-duy-nhat-xuat-nhap-khau-qua-trung-quoc-tang-truong-duong-320513.html