Tiền Giang: Sức sống mới ở một xã anh hùng

Xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là vùng đất anh hùng sản sinh ra những người con kiên cường bám đất, bám làng, chống lại sự càn quét của địch trong kháng chiến. Sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã phát huy truyền thống cách mạng, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.TRANG SỬ HÀO HÙNG

Cẩm Sơn là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt làm hoang mang tinh thần thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai như trận đánh diệt đại đội lính Âu - Phi thuộc binh đoàn NIO thiện chiến của Pháp ngày 11-6-1947, đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của lữ đoàn 2, sư đoàn 9 Mỹ ngày 15- 9-1967...

Cẩm Sơn là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Cai Lậy.

Ngoài việc trực tiếp đánh quân xâm lược và tay sai, nhân dân và Lực lượng vũ trang Cẩm Sơn còn bảo vệ an toàn căn cứ Huyện ủy Cai Lậy, căn cứ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và các đơn vị chủ lực đóng trên địa bàn, cũng như cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, vận chuyển vũ khí và hàng hậu cần phục vụ cách mạng.

Điển hình trong số những chiến công đó phải kể đến là Chiến thắng Ba Rài. Cách đây gần 60 năm, ngày 15-9-1967 trên đoạn sông Ba Rài thuộc xã Cẩm Sơn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 và nhân dân xã Cẩm Sơn đã lập nên một chiến công oanh liệt: Sau một ngày kiên cường chiến đấu, Tiểu đoàn 263 đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc càn của lực lượng cơ động trên sông thuộc lữ đoàn 2 sư 9 Mỹ; bắn chìm, bắn cháy và bắn hỏng 16 tàu các loại; loại khỏi vòng chiến hơn 200 lính Mỹ, bắn rơi một máy bay phản lực F.100.

Chiến thắng Ba Rài là trận đánh Mỹ lớn nhất kể từ khi Mỹ đặt chân lên đất Mỹ Tho. Nó có ý nghĩa mở đầu cho việc đánh bại chiến thuật cơ động đường sông của Mỹ góp phần rất lớn vào việc đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở Mỹ Tho nói riêng và miền Nam nói chung.

Năm 2006, Di tích Chiến thắng Ba Rài được đầu tư xây dựng với tổng diện tích 9.082 m2, trong đó có 1 tượng đài nằm ở trung tâm, xung quanh có hệ thống cây cảnh, hàng rào bảo vệ.

Chiến thắng Ba Rài đã ghi lại một trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nói chung và của quân dân tỉnh Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, xã Cẩm Sơn nói riêng.

Chiến thắng Ba Rài đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trải qua gần 60 năm, Chiến thắng Ba Rài vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quê hương, đất nước.

Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, địch không còn đủ lực lượng để mở những cuộc càn quét lớn vào địa bàn Cẩm Sơn, nhưng chúng vẫn dùng bom pháo đánh phá ác liệt như trước. Trước tình hình đó, để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, xã Cẩm Sơn tiếp tục xây dựng Lực lượng vũ trang vững mạnh, nhiệm vụ chủ yếu là chi viện cho các xã bạn đánh địch càn quét, giữ vững quyền làm chủ của nhân dân, tấn công địch ở vùng yếu, giao thông. Các đoàn thể quần chúng trong xã tham gia lực lượng dân công tại chỗ, dân công hỏa tuyến... sẵn sàng phục vụ khi cách mạng cần.

XÃ NTM KIỂU MẪU ĐẦU TIÊN CỦA HUYỆN CAI LẬY

Sau ngày thống nhất đất nước, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh, nhưng với truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nỗ lực vượt khó, đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, xã không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, làm cho bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc. Sau khi được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2020, Cẩm Sơn tiếp tục xây dựng đạt xã NTM kiểu mẫu năm 2023.

Xã Cẩm Sơn có 74 mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện có 3 mẹ còn sống.

“Thành quả đó đến từ sự đồng lòng, đoàn kết phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong xã, tạo động lực để địa phương tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Chín chia sẻ.

Về xã Cẩm Sơn hôm nay, chúng tôi có thể cảm nhận nhiều đổi thay. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống giao thông từng bước được xây dựng hoàn chỉnh với cầu, đường nông thôn được kiên cố giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Dọc theo 2 bên đường, người dân trồng hoa, làm hàng rào, lắp đặt đèn đường chiếu sáng.

Công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đời sống người dân được quan tâm thực hiện, ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều người vui mừng bày tỏ: Bây giờ, diện mạo nông thôn thay đổi hơn trước nhiều lắm. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư.

Với những chiến công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân dân và Lực lượng vũ trang Cẩm Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, 14 Huân, Huy chương giải phóng các loại.

Người dân tích cực trồng hoa, làm hàng rào, phát quang, vệ sinh môi trường, đóng góp kinh phí lắp đèn đường. Ngoài ra, người dân còn tham gia hoạt động an sinh xã hội, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Những năm qua, xã Cẩm Sơn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp ngành chức năng thực hiện chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất - kinh doanh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ ổn định; toàn xã có 2 cây xăng, cơ sở rang chế biến cà phê, cơ sở sản xuất khô bò, nhiều cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, thu mua trái cây... tạo điều kiện cho người dân có thêm việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội luôn được chính quyền quan tâm; thực hiện chính sách đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và đúng chế độ. Hằng năm, vào dịp lễ, tết, chính quyền xã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách.

Ban, ngành, đoàn thể chủ động nắm bắt tình hình đời sống của các hộ dân gặp khó khăn để kịp thời giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Công tác vận động Quỹ Vì người nghèo và quỹ an sinh xã hội được đổi mới về nội dung, phương pháp, lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Hiện trên địa bàn xã không còn hộ nghèo và cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 76 triệu đồng/năm.

Đồng chí Trần Văn Chín nhấn mạnh: Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tập trung khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, xã duy trì và nâng chất tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu; thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội…

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/tien-giang-suc-song-moi-o-mot-xa-anh-hung-1010052/