Tổ chức bữa ăn bán trú, có trường chưa thực hiện đúng quy trình bếp ăn tập thể

Để đáp ứng nhu cầu ăn bán trú, các trường học tại Nghệ An thực hiện theo hai hình thức, tổ chức bếp ăn tại trường hoặc hợp đồng cung cấp suất ăn với đơn vị bên ngoài. Dù ở hình thức nào, việc bảo đảm an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được nhà trường, phụ huynh quan tâm.

Nhiều tồn tại ở các bếp ăn bán trú

Bếp ăn bán trú dành cho hơn 300 học sinh của Trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông (Nghệ An) chỉ là dãy nhà tạm bợ, thiếu thốn đủ bề và hoàn toàn không đạt chuẩn của một bếp ăn tập thể. Bếp hiện không thể đảm bảo quy trình của bếp ăn một chiều bởi từ việc sơ chế, nấu nướng đều trên cùng một diện tích nhỏ, rộng chừng vài chục mét vuông.

Bếp ăn bán trú ở Trường Tiểu học Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An)

Bếp ăn bán trú ở Trường Tiểu học Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An)

Ông Lô Văn Thiệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường đang phải mượn tạm cơ sở của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho nhà bếp cũng như khu vực bán trú gặp nhiều khó khăn. Điều này, nếu kéo dài lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của việc tổ chức bán trú, nhất là trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Còn bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Nga My – huyện Tương Dương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ khuôn viên bếp ăn bán trú của nhà trường cũng đang được dựng tạm trong căn nhà được dựng tạm bằng tôn, phía trên phải chăng bạt, bốn bề nhiều khoảng trống. Khu vực chế biến ở ngay cạnh nhà bếp, hết sức sơ sài, tạm bợ.

Khu vực bếp nấu của trường bừa bộn, nơi sử dụng bếp củi, nơi đặt bình ga. Ngoài việc không đảm bảo về bếp ăn một chiều mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Nhân viên nấu bếp là phụ huynh trong xã được nhà trường thuê về để hỗ trợ nấu ăn chứ chưa qua trường lớp đào tạo, tập huấn.

Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên bữa ăn cho học sinh bán trú Trường tiểu học Nga My đang được tận dụng, bố trí dưới mái hiên được lợp tôn.

Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên bữa ăn cho học sinh bán trú Trường tiểu học Nga My đang được tận dụng, bố trí dưới mái hiên được lợp tôn.

Ông Kha Văn Thông – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My cho biết: Trường mới tổ chức bán trú cho học sinh nên việc triển khai hết sức khó khăn. Thực tế hiện nay, chúng tôi chỉ mới tổ chức được điều kiện cơ bản đủ để nấu ăn cho học sinh. Còn các điều kiện khác như tủ lưu trữ thực phẩm, tủ đựng bát, đũa theo đúng tiêu chuẩn đều chưa có.

Ngoài khu vực bếp nấu ăn, việc tổ chức nơi ăn cho học sinh cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên phòng ăn cho học sinh đang được tận dụng trong khoảng sân của nhà trường.

Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, học sinh có thể yên tâm ăn uống trong các mái hiên được lợp tôn. Nhưng trong những ngày nắng nóng hoặc mưa lớn thì việc ăn uống rất vất vả. Có nơi, vì cơ sở vật chất thiếu nên phòng ăn có khi còn là phòng sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hoặc làm nơi học tập cho học sinh.

Nhiều bếp ăn bán trú ở các huyện miền núi cao điều kiện triển khai bán trú còn gặp khó khăn.

Nhiều bếp ăn bán trú ở các huyện miền núi cao điều kiện triển khai bán trú còn gặp khó khăn.

Liên quan đến việc giám sát các bếp ăn tập thể tại các nhà trường, Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết: Đoàn giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện trong tháng 10 vừa qua đã chỉ ra nhiều tồn tại.

Qua gần 1 tháng triển khai, theo báo cáo bước đầu, một số bếp ăn tập thể ở các nhà trường vẫn còn một số lỗi vi phạm.

Đơn cử tại huyện Nghi Lộc, giám sát tại bếp ăn tập thể tại Trường Tiểu học Nghi Quang cho thấy cơ sở chưa xuất trình được sổ lưu mẫu thức ăn; sổ kiểm thực 3 bước thực hiện chưa đầy đủ; tường, sàn nhà khu vực sơ chế, chế biến chưa đảm bảo, còn bị ứ đọng nước; thiếu giá kệ để kê thực phẩm.

Đoàn giám sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An kiểm tra bếp ăn tập thể tại các nhà trường.

Đoàn giám sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An kiểm tra bếp ăn tập thể tại các nhà trường.

Hay tại Trường mầm non Tri Lễ (huyện Quế Phong) phát hiện cơ sở chưa trang bị thùng rác có nắp đậy kín, trang phục bảo hộ lao động chưa đầy đủ và thực hiện lưu mẫu thực phẩm chưa đảm bảo theo quy định về số lượng mẫu lưu.

Ở Trường tiểu học thị trấn Diễn Châu vẫn còn tình trạng kho bảo quản thực phẩm sắp xếp chưa đảm bảo, thực hiện lưu mẫu thức ăn chưa đúng theo quy định.

"Việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các nhà trường thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát, chúng tôi thấy vẫn đang còn những tồn tại, bất cập do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, một số trường chưa thực hiện đúng quy trình của bếp ăn tập thể. Tất cả các lỗi vi phạm, chúng tôi đã nhắc nhở và đề nghị các huyện cần phải chấn chỉnh việc tổ chức bếp ăn bán trú, đảm bảo các quy trình, quy định về an toàn thực phẩm, nhằm tránh sự việc đáng tiếc xảy ra…" – Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy cho biết thêm.

Nhà trường không mặn mà tổ chức bữa ăn bán trú

Nghệ An hiện có hàng trăm trường học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, trong đó "phủ kín" ở bậc mầm non, tiểu học. Tổ chức ở các trường Phổ thông Dân tộc bán trú hoặc Phổ thông Dân tộc nội trú. Riêng ở bậc tiểu học, mô hình này chỉ mới thực hiện được ở những vùng thuận lợi như thành phố Vinh, Đô Lương, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò. Còn lại ở các địa phương khác, do nhiều lý do khác nhau, nhiều trường học chưa mặn mà.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nga My (Tương Dương).

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nga My (Tương Dương).

Hưng Nguyên là địa phương giáp ranh với thành phố Vinh, đây là huyện có nhiều thuận lợi nếu triển khai học, ăn bán trú. Tuy nhiên, hiện nay địa phương này chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, là duy trì được mô hình này.

Bà Cao Thị Mai - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên cho biết: Khó khăn hiện nay là số trường đủ điều kiện tổ chức bữa ăn bán trú rất ít vì thiếu nhân lực. Nhiều trường như Tiểu học Hưng Yên Bắc, Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, Tiểu học Hưng Nghĩa, Tiểu học Hưng Lĩnh… diện tích rất nhỏ, không có đất để xây nhà bếp. Quan trọng hơn cả là vật lực để tổ chức bán trú không có và phải trông chờ vào xã hội hóa, huy động từ phụ huynh nhưng điều này thì rất khó khăn.

Tại huyện Nam Đàn, mới chỉ có 4 trường tiểu học tổ chức được bán trú. Năm học này, trường Tiểu học Nam Giang mới được đầu tư 6 tỷ đồng để xây dựng khu nhà ăn, khu nhà nghỉ với 10 phòng cho học sinh. Thế nhưng dù là năm đầu tiên triển khai nhưng cũng chỉ có 228/698 học sinh tham gia. Hơn thế, dù tổ chức bán trú nhưng trường chưa có nhà bếp mà đang liên kết với một nhà hàng trên địa bàn để cung ứng các bữa ăn cho học sinh, với mỗi suất ăn là 20.000 đồng. Đây cũng là hình thức đang thực hiện tại 3 trường khác ở địa phương này.

Nếu tổ chức nấu ăn, trường phải có vật dụng, phải thuê thêm đầu bếp, nhưng với mức lương như hiện nay chỉ vài triệu đồng/tháng thì rất khó thuê lao động. Hơn nữa, nếu triển khai bán trú đại trà trường lại thiếu giáo viên trực trưa vì đội ngũ giáo viên của trường hiện nay đang thiếu.

Ông Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Giang

Ngay như tại huyện Nghi Lộc, dù có đến 30/30 trường tiểu học đã triển khai bán trú, ông Nguyễn Đình Trung - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận: Sau sự việc bữa ăn học sinh chỉ có "cơm trắng và đậu phụ" ở Trường Tiểu học Nghi Thái chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra để đi kiểm tra bếp ăn tập thể ở các nhà trường. Tuy vậy, một thực tế đó là nhiều trường điều kiện tổ chức bán trú chưa đảm bảo như chưa có phòng ăn riêng, chưa có bếp 1 chiều và quy trình thực hiện chưa đúng.

Kiểm tra việc tổ chức bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn).

Kiểm tra việc tổ chức bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn).

Việc triển khai bán trú tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong tổ chức dạy và học, nhất là với chương trình học 2 buổi/ngày. Để khuyến khích các nhà trường trong quá trình thực hiện, cần có sự đốc thúc, sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An chia sẻ "Nghệ An có số học sinh bán trú đông. Việc đầu tư cơ sở vật chất, con người để thực hiện bán trú tại các trường là một thách thức đối với ngành giáo dục.

Bếp ăn tập thể là mô hình lý tưởng nhưng không phải trường nào cũng làm được vì khuôn viên trường quá chật hẹp, việc tuyển nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu... rất khó.

Sở đã có văn bản giao cho thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn và cơ sở nấu suất ăn bên ngoài bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng".

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/to-chuc-bua-an-ban-tru-co-truong-chua-thuc-hien-dung-quy-trinh-bep-an-tap-the-169231110110210898.htm