Tọa đàm khoa học về những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngày 2/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học 'Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá'.

Toàn cảnh buôi tọa đàm

Toàn cảnh buôi tọa đàm

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Thanh Mai nhấn mạnh, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, có tác động sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Đây là Nghị quyết toàn diện, có nhiều đột phá trong việc chấn hưng nền giáo dục, được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Hiện nay, Trung ương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là hoạt động rất quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn; đánh giá toàn diện, sâu sắc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền; kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm đẩy nhanh tiến độ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

“Trong vai trò phối hợp tổng kết và tham gia thẩm định Đề án, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá; huy động trí tuệ và tâm huyết của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý trong và ngoài nước; bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện Đề án với chất lượng tốt nhất, làm tiền đề tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đồng chí Vũ Thanh Mai, buổi tọa đàm hôm nay là một trong những hoạt động khoa học quan trọng và có ý nghĩa nêu trên. Tọa đàm tập trung phân tích và làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế; những vấn đề mới đặt ra đối với giáo dục và đào tạo sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; xu hướng quốc tế, định hướng và những giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. – Đồng chí Vũ Thanh Mai cho biết.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đi sâu vào phân tích, thảo luận những vấn đề mới đặt ra đối với giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Trong đó, tập trung trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (Nguồn nhân lực STEM); giáo dục thích ứng với cách mạng về trí tuệ nhân tạo; giáo dục gắn với giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đặc trưng của nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; những vấn đề về mô hình đại học quốc gia, đại học vùng ở tại Việt Nam; chính sách giáo dục không vì lợi nhuận; vấn đề đào tạo giáo viên thích ứng với kỷ nguyên số, cơ hội, thách thức phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn trong giai đoạn mới.

Song song với đó, các đại biểu cũng phân tích, thảo luận các giải pháp đột phá, then chốt; các ưu tiên; những đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề cập tới những bất cập trong việc đưa chính sách giáo dục vào đời sống, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, Việt Nam đối diện hai thách thức cơ bản trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện. Thứ nhất, trong một thế giới ngày càng biến đổi, bất định và khó lường, gây nên bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phản ứng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục còn chậm, và nếu có thì nhiều chính sách còn nặng về mong muốn, thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu. Thứ hai, việc tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá chính sách còn nhiều yếu kém, bất cập. Nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại là hạn chế về nhận thức và hạn chế về năng lực trong xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến phát biểu tại buổi tọa đàm.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến phát biểu tại buổi tọa đàm.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng đưa ra khuyến nghị về việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục. Theo đó, cần đảm bảo có sự thống nhất nhận thức về chủ trương đối với từng vấn đề đặt ra, từ những khái niệm cơ bản, đến lợi ích và rủi ro, cơ hội và thách thức, lý luận và thực tiễn. Cần khảo sát đánh giá đúng hiện trạng để có sự nhận dạng đúng khoảng cách giữa hiện trạng với mục tiêu mong muốn để có giải pháp thực hiện phù hợp. Cần có sự lựa chọn ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ, giải pháp với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi. Cần nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành trong quan hệ phối hợp đi đôi với cơ chế giám sát và đánh giá dựa trên hệ thống dữ liệu khách quan, tin cậy và minh bạch để đảm bảo chính sách được thực hiện đến nơi đến chốn.

PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại buổi tọa đàm.

PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại buổi tọa đàm.

PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đề xuất, bên cạnh việc tiếp tục tham mưu để hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, cần tập trung chỉ đạo đưa vấn đề giáo dục giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện để xây dựng nhân cách, đạo đức học sinh, sinh viên, học viên, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Hệ thống giáo dục- đào tạo Việt Nam nghiên cứu đưa các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới vào trong chương trình giáo dục - đào tạo của các cấp học, các ngành học một cách tương thích, phù hợp nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng nhân cách, con người Việt Nam.

Kết quả của buổi tọa đàm hôm nay, ngoài việc góp phần tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, còn góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách mới phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Thu Hằng

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/toa-dam-khoa-hoc-ve-nhung-van-de-moi-dat-ra-sau-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-29-nq-tw-ve-doi-moi-can-ban-153586