TPHCM: Bao giờ bồi thường, di dời xong nhà ven kênh rạch?

TPHCM hiện có hàng ngàn căn nhà xập xệ, cũ nát, tạm bợ, không bảo đảm điều kiện an sinh nằm ven các kênh, rạch. Không chỉ gây ảnh hưởng môi trường, làm mất cảnh quan đô thị, mà nơi đây còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong mùa nắng nóng kéo dài như hiện nay. Trước thực trạng trên, người dân đang nóng lòng chờ phương án giải tỏa để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Sống lây lất chờ di dời

Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, gây mất cảnh quan đô thị, nhà tạm bợ ven kênh rạch ở TPHCM còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Ghi nhận tại rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), kênh Đôi, kênh Tàu Hủ (Quận 8), kênh Tẻ (Quận 4)... có rất nhiều căn nhà xập xệ, cũ nát được người dân dựng tạm bằng các tấm gỗ và tôn nằm san sát nhau, lấn ra bờ kênh.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy tại một số khu vực nhà ven kênh rạch. Mới nhất là vụ cháy lớn ở khu nhà ven kênh Tàu Hủ (P2Q8) vào tối 01/4 khiến nhiều gia đình lâm cảnh "màn trời chiếu đất", khó khăn chồng chất vì tài sản, nhà cửa bị thiêu rụi; còn số khác thấp thỏm, lo lắng khi sống trong những căn nhà tạm bợ ven sông.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc các dòng kênh Đôi, kênh Tẻ hay những khu vực ven sông thuộc địa bàn Quận 4, Quận 7, Quận 8... vẫn còn tồn tại nhiều căn nhà được che chắn tạm bằng những mái tôn cũ nát, các mảnh bìa carton nham nhở, nằm vắt mình trên những chiếc cọc chống yếu ớt nổi trên mặt nước lềnh bềnh rác thải, thùng xốp... Chưa kể lâu lâu nơi ở tạm của họ lại gãy cột, sập nhà, tốc mái. Đa phần người dân sinh sống tại đây là công nhân, các gia đình nghèo, dân tứ xứ từ một số tỉnh đổ về lập nghiệp, phải làm đủ nghề để mưu sinh.

Phía trên bờ, nhà cửa hoang tàn, tạm bợ; dưới kênh, rác thải chất đống, dòng nước đen bốc mùi hôi thối... Đó là môi trường sống của nhiều hộ dân ven kênh Hàng Bàng (Quận 6). Khu vực này nằm trong dự án (DA) cải tạo nâng cấp kênh Hàng Bàng đã được UBND TPHCM thông qua năm 2016. Thế nhưng, cho rằng mức đền bù không thỏa đáng, nhiều hộ không chịu di dời, chấp nhận sống chung với môi trường ô nhiễm nhiều năm qua.

Dọc kênh Hàng Bàng (đường Phan Văn Khỏe, Quận 6), nhiều ngôi nhà đã bị dỡ bỏ, gạch đá chất đống, cùng với đó là một số căn bỏ hoang. Đây là những hộ dân đã đồng ý hoặc bị cưỡng chế bàn giao mặt bằng cho DA cải tạo nâng cấp kênh Hàng Bàng. Thực tế vẫn còn nhiều hộ bám trụ lại đây, sống trong những căn nhà cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng giữa môi trường ô nhiễm.

Những căn nhà lụp xụp cất ven kênh rạch tại TPHCM

Cần cơ chế đặc thù

Theo thông tin tại Hội thảo khoa học về nhà trên và ven kênh rạch mới đây, TPHCM có hơn 65.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Qua nhiều kế hoạch, DA, đến nay thành phố chỉ mới di dời được hơn 38.000 căn, tiến độ này hơi chậm, cần được tăng tốc trong thời gian tới.

Hiện TPHCM có ít nhất 2 DA cải tạo, chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch, được kỳ vọng mang lại hiệu quả lớn khi hướng tới nhiều mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Đa số người dân sống ở những khu vực trên là lao động có thu nhập thấp, hầu như chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước để tạo lập chỗ ở mới.

Sở Xây dựng TPHCM cho biết, ngoài khó khăn về huy động nguồn vốn thì công tác bồi thường (BT), hỗ trợ tái định cư (TĐC) cũng là vấn đề nan giải. Việc hiệp thương, BT chậm khiến DA kéo dài. Nguyên nhân là do đa số nhà trên và ven kênh rạch đều thuộc diện nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm.

Được biết kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TPHCM được đặt ra từ rất sớm, nhưng 20 năm qua việc thực hiện vẫn còn ì ạch. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng để tiến độ di dời nhà ven và trên kênh rạch đạt bước tiến vẫn cần có những cơ chế đặc thù, đột phá...

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM từng tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc di dời nhà trên và ven kênh rạch. Nhiều đại biểu cho rằng TPHCM cần có giải pháp tập trung vào huy động nguồn lực tài chính và quỹ đất (bao gồm quỹ nhà ở TĐC và các khu đất) đối với các DA cải tạo, chỉnh trang kênh rạch. Với thực tế kinh phí hạn hẹp, thành phố có thể chia nhỏ các DA ra và làm hoàn chỉnh, đẹp một phần hoặc 1 đoạn kênh rạch, khi đó có thể thu hút nhiều người quan tâm đầu tư, người dân nhận ra cái đẹp cũng sẽ thay đổi tích cực, dẫn đến sự kích hoạt các khu vực còn lại theo hướng tốt hơn, đồng thời có thể mở rộng kêu gọi bằng vốn xã hội hóa.

Phía doanh nghiệp bất động sản thì cho rằng, TPHCM chưa có giải pháp, cơ chế đột phá phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân bị ảnh hưởng, khó nhất là khâu bố trí TĐC, liên quan đến công ăn việc làm, học hành, dịch vụ xã hội và văn hóa tinh thần cho người dân.

Thực tế cho thấy hầu hết nhà dân trên và ven kênh rạch xây dựng trên đất lấn chiếm, không đủ điều kiện để BT, hỗ trợ theo quy định dẫn đến giá trị BT thấp, không bảo đảm điều kiện ổn định cuộc sống sau khi di dời. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, ý thức chung của người dân trong việc chấp hành chủ trương di dời, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai DA. Mặt khác, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư cũng chưa đủ sức hấp dẫn...

HỒNG CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/bao-gio-boi-thuong-di-doi-xong-nha-ven-kenh-rach_161999.html