'Trạng thái nội tại' của con người là gì?
Cuốn sách của Ths Dương Việt Anh giới thiệu khái niệm 'trạng thái nội tại' cũng như ảnh hưởng của nó đến cách chúng ta tiếp nhận, xử lý thông tin, suy nghĩ, phán đoán, quyết định.
"Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, đó không phải là con đường rải đầy hoa hồng, và nếu có thì chắc chắn cũng sẽ có gai. Với tốc độ phát triển của văn minh nhân loại, việc đưa ra quyết định sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn".
Đó là nhận xét của Thạc sĩ Dương Việt Anh trong phần mở đầu của cuốn sách Cáo, Bò tót và Chùm nho - tác phẩm đầu tay của anh thuộc chủ đề tâm lý, cắt nghĩa đơn giản về hành vi, tư duy.
Mượn câu chuyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho nổi tiếng của Aesop, tác giả Dương Việt Anh phát triển thêm nhân vật "Bò tót", đồng thời chia sẻ về chính những trải nghiệm của anh trong quá trình phán đoán và ra quyết định, từ đó cung cấp cho người đọc những công cụ và phương pháp thực tế để rèn luyện tư duy phản biện, kiểm soát cảm xúc và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.
Theo tác giả, trong mỗi người đều mang trong mình cả hai động lực, trạng thái tư duy: Bò Tót - đại diện cho thế giới tưởng tượng, nơi chúng ta phản ứng lại thế giới dựa vào cảm xúc và kỳ vọng cá nhân (tượng trưng cho bản năng, cảm xúc) và Cáo -đại diện cho thế giới thực, nơi chúng ta tôn trọng và hướng đến sự thật và khách quan (tượng trưng cho sự logic, phản biện).
"Trạng thái nội tại" trong con người
"Trạng thái nội tại" là thuật ngữ mới do tác giả Dương Việt Anh đề xuất trong cuốn sách. Đây là những vận động bên trong chúng ta, quyết định động lực cho cách ta suy nghĩ, tư duy, tiếp nhận thông tin, phán đoán và đưa ra lựa chọn.
Theo Dương Việt Anh, khi coi phương pháp tư duy là một chiếc ra-đa tìm kiếm và xử lý thông tin, trạng thái nội tại sẽ quyết định ra-đa được cài đặt ở chế độ tìm kiếm sự thật khách quan (thế giới thực) hay tìm kiếm nhu cầu và kỳ vọng của chính bản thân mình (thế giới tưởng tượng).
Trạng thái nội tại không chỉ là động lực dẫn dắt chúng ta suy nghĩ, nó còn là nguồn gốc dẫn đến cách thức thực thi và quyết định chất lượng của mọi quy trình xử lý thông tin và ra quyết định của não bộ.
Vì vậy, theo tác giả, khi xác định được trạng thái nội tại của mình, dù câu trả lời của chúng ta đưa ra là thế nào đi chăng nữa, thì ít nhất chúng ta sẽ biết được con đường nào đã đưa ta tới quyết định đúng và những cái bẫy nào ta đã vướng phải khi thất bại hoặc trả lời sai.
Thông qua cuốn sách, tác giả Dương Việt Anh muốn gửi gắm tới người đọc rằng việc nhận diện và kiểm soát trạng thái nội tại của bản thân là chìa khóa để sống một cuộc sống có chất lượng, có ý nghĩa, đồng thời giúp chúng ta tiếp nhận, phân tích thông tin, phán đoán, đưa ra quyết định một cách khôn ngoan, từ đó đạt được mục tiêu và vượt qua thách thức trong cuộc sống đầy biến thiên.
Tùy vào từng thời điểm, từng trường hợp, ta cần chọn cho mình một trạng thái cụ thể giúp ta có thể sống sót và tất nhiên là cả thỏa mãn.
Diễn đạt gần gũi, dễ hiểu
Không phải những kiến thức, khái niệm phức tạp hay cao siêu, Dương Việt Anh lựa chọn cách truyền tải đơn giản, gần gũi cho người đọc trong 9 chương sách. Mỗi chương của cuốn sách là các bước trong hành trình tư duy và các bài học giản dị về tâm lý học hành vi. Các ví dụ được anh khai thác từ cội nguồn văn hóa Việt Nam nên dễ hiểu, phù hợp với người Việt.
Đơn cử, trong phần giải thích về "Sự thật trắng - Sự thật đen" ở chương 2, tác giả lấy ví dụ: ngày hôm nay, anh A vừa mượn xe ôtô của một người bạn để đi. Khi di chuyển trên đường, chẳng may làm xước xe, anh ta đưa xe đi sửa trước khi quay về nhà với vợ con.
Buổi tối hôm đó, anh ta quyết định sẽ dành hết thời gian rảnh của mình cho con gái chứ không cắm mặt vào điện thoại như mọi ngày. Vợ anh ta lấy làm lạ vì những ngày khác, ngay cả trong lúc chơi với con thỉnh thoảng anh ta cũng lấy điện thoại ra kiểm tra tin nhắn.
Thực tế thì không phải anh ta toàn tâm toàn ý vào việc tăng cường tình cảm giữa mình và con gái, mà chỉ đơn giản là anh ta không muốn nghĩ đến chiếc điện thoại. Anh tin rằng bạn mình có thể gọi bất cứ lúc nào để hỏi về chiếc xe. Và việc đó có thể phá hỏng tâm trạng của anh ta.
Với Cáo, Bò tót và Chùm nho, tác giả muốn hướng đến 3 đối tượng độc giả: người quan tâm nghiên cứu tư duy nhưng gặp khó khăn trong ứng dụng; người muốn hiểu rõ bản thân và cách thức vận hành của tâm trí; đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao muốn tìm hiểu quá trình ra quyết định của đối tác, thấu hiểu tâm lý nhân viên.
Dương Việt Anh hy vọng sau khi đọc xong cuốn sách, độc giả thay vì loay hoay tìm cách sử dụng những kiến thức về tư duy phản biện đã đọc được ở đâu đó rồi cho rằng cứ áp dụng vào là mọi phán đoán của mình đều sáng suốt, họ có thể nhận diện được thứ gọi là "trạng thái nội tại" bên trong bản thân, từ đó có khả năng đến gần với những kết luận "tốt hơn", và "dựa trên cơ sở sự thật", không bị đánh lừa bởi chính bản thân mình.
Nguồn Znews: https://znews.vn/trang-thai-noi-tai-cua-con-nguoi-la-gi-post1474270.html