Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, 'tuyệt tình' năng lượng Nga, EU 'mắc lưới' của Mỹ-Trung Quốc

Khi từ bỏ năng lượng Nga, EU đối mặt rủi ro ngày càng cao bởi Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có tham vọng ở khối này. Mỹ cũng đang tìm cách hưởng lợi từ chiến lược năng lượng của liên minh.

Trừng phạt năng lượng Nga, EU gặp khó với Thỏa thuận Xanh trong bối cảnh phụ thuộc ngày càng lớn vào Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: furn360.eu)

Chương trình nghị sự về khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) đang gặp rắc rối. Thỏa thuận Xanh, với mục đích cắt giảm 55% lượng khí thải carbon của khối vào năm 2030, đã khởi đầu đầy hứa hẹn sau khi một số điều luật quan trọng được thông qua, bao gồm lệnh cấm bán các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong mới từ năm 2035 và thuế biên giới carbon. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người châu Âu chống lại các hạn chế xanh khi họ khó nhìn thấy được lợi ích của chúng.

Một mối đe dọa khác ít được báo cáo hơn nhưng không kém phần quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và sinh thái của EU đến từ số lượng đáng báo động các công ty Trung Quốc và Mỹ chuyển sang lĩnh vực năng lượng của liên minh.

Trong cuốn sách Energy: How to Recover Our European Ambition (tạm dịch Năng lượng: Làm thế nào để phục hồi tham vọng của châu Âu chúng ta), xuất bản bằng tiếng Pháp, các tác giả đã làm sáng tỏ vấn đề bị bỏ qua này trước các cuộc bầu cử ở châu Âu. Vấn đề này sẽ rất quan trọng đối với chiến lược năng lượng của EU và kêu gọi khối cân nhắc cẩn thận về hợp tác và cạnh tranh trong những lĩnh vực được coi là “chủ quyền”.

Trung Quốc nhòm ngó

Theo tác giả cuốn sách, mặc dù hiện tại không có bất kỳ dữ liệu định lượng nào về thị phần của Trung Quốc trên thị trường năng lượng châu Âu, nhưng quốc gia này nắm giữ 80% công suất sản xuất công nghệ sạch toàn cầu ở 11 phân khúc, từ tấm năng lượng mặt trời đến nhiều thành phần pin lithium-ion.

Vào đầu những năm 2010, lợi dụng cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các nhà đầu tư Trung Quốc lần đầu tiên nhảy vào mua cổ phần đáng kể trong những lĩnh vực từ lâu được coi là “chủ quyền”, như mạng lưới truyền tải và phân phối điện. Nổi bật trong số đó là công ty tiện ích lớn nhất thế giới, State Grid Corporation of China (SGCC), thường được gọi là State Grid - công ty lớn thứ tư thế giới tính theo doanh thu, sau Walmart, Saudi Aramco và Amazon, tính đến tháng 3/2024. Đặc biệt, hiện diện ngày càng nhiều là Tập đoàn Tam Hiệp, chịu trách nhiệm về tổ hợp thủy điện lớn nhất thế giới.

Ví dụ, ở Bồ Đào Nha, Tập đoàn Tam Hiệp đã thắng thầu mua 21% cổ phần của chính phủ nước này trong EDP-Energias de Portugal SA vào năm 2010. Trong khi đó, năm 2014, tại Italy, SGCC đã mở rộng sự hiện diện bằng cách hợp tác với chính phủ, mua lại 35% cổ phần trong quỹ CDP Reti, qua đó đạt được quyền thiểu số phủ quyết tại nhà điều hành mạng khí đốt địa phương, SNAM và nhà điều hành mạng lưới truyền tải điện, Terna.

Tương tự, ở Hy Lạp, State Grid đã có những bước tiến đáng kể bằng cách mua lại 24% cổ phần của nhà điều hành mạng lưới truyền tải điện quốc gia từ chính phủ vào năm 2016.

Một mặt thu gom cổ phần năng lượng tại các công ty ở Bồ Đào Nha, Itlay và Hy Lạp, mặt khác, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã mua lại lưới điện ở Luxembourg.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, ngành công nghệ xanh của Trung Quốc đã tràn ngập châu Âu với các tấm pin Mặt trời và xe điện (EV) giá rẻ.

Mỹ thâm nhập thị trường

Theo các tác giả cuốn sách trên, rủi ro càng cao hơn vì Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có tham vọng ở EU. Mỹ cũng đang tìm cách hưởng lợi từ chiến lược năng lượng được cho là thiếu sáng suốt của khối.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine không làm suy yếu sự thống trị về năng lượng của Mỹ trên thế giới, cụ thể hơn là ở EU. Thật vậy, trong khi khí đốt của Moscow được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nhiên liệu cầu nối trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là đối với Đức, thì EU đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với đối tác thương mại lâu dài nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước này.

Lấp đầy một phần khoảng trống mà Moscow để lại, Washington đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên (LNG) hàng đầu sang châu Âu. Sự phát triển này có lợi cho thương mại của Mỹ trong khi chi phí năng lượng trong nước được giữ ở mức thấp, càng làm gia tăng khoảng cách về giá, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu đang trải qua lạm phát năng lượng. Đồng thời, mục tiêu của Washington làm suy yếu khả năng cạnh tranh tương đối cũng như sức hấp dẫn của lục địa già đối với những ngành sử dụng nhiều năng lượng.

Ngoài những vấn đề cung cấp năng lượng, các quốc gia thành viên EU đang nỗ lực xây dựng tầm nhìn chung, nêu bật thách thức về chủ quyền và quyền tự chủ chiến lược. Các công ty châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, đã nỗ lực phát triển các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) thế hệ thứ tư, trong nỗ lực thành lập liên minh hạt nhân châu Âu vào tháng 11/2023.

Lấp đầy một phần khoảng trống mà Nga để lại, Mỹ trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên (LNG) hàng đầu sang châu Âu. (Nguồn: Storage Terminals)

Tuy nhiên, cùng lúc đó, các quốc gia như Italy, Bỉ và Romania đã hợp tác với Công ty Điện lực Westinghouse của Mỹ để phát triển các lò phản ứng nhanh làm mát bằng chì.

Như vậy, đúng như ông John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ, đã xác nhận vào tháng 9 năm ngoái, một lần nữa, lỗ hổng trong việc phối hợp giữa các thành viên EU lại tạo ra lợi thế cho ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu.

Là một phần của tổ chức được gọi là tập đoàn quốc tế “Nhiên liệu sạch từ SMR”, các công ty Mỹ, CH Czech, Slovakia và Ba Lan được chọn tham gia và sẽ nhận được hỗ trợ cho các nghiên cứu khả thi về chuyển đổi than thành SMR. Các nước EU này đang hướng tới doanh nghiệp Mỹ để kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, chủ yếu là do nguồn tài trợ và chuyên môn kỹ thuật của họ, trong khi khối tiếp tục chặn mọi hỗ trợ cho các dự án hạt nhân được phát triển trên lãnh thổ của mình.

Các vết nứt trong mục tiêu phát thải ròng

Quy mô của các khoản đầu tư nước ngoài này vào năng lượng tái tạo, cơ sở hạt nhân mới và phát triển lưới điện có thể ảnh hưởng nặng nề đến sự độc lập chiến lược của khối vào thời điểm liên minh này đang tìm cách khử cacbon.

Những khoản đầu tư đó làm dấy lên mối lo ngại về an ninh năng lượng lục địa, do bối cảnh năng lượng của châu Âu vẫn còn bị chia cắt:

Trước mắt, vấn đề cung ứng do khủng hoảng năng lượng buộc EU phải chuyển hướng sang các đối tác nước ngoài khác (ngoài Nga) và chỉ chuyển dịch vấn đề phụ thuộc năng lượng của khối.

Về lâu dài, đối mặt với việc Trung Quốc bán phá giá và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, châu Âu sẽ phải bảo vệ các nhà sản xuất năng lượng trong nước hoặc các nhà điều hành lưới điện sau khi đã bỏ mặc họ từ lâu.

Theo các tác giả cuốn sách nói trên, thách thức chính đối với châu lục là chấm dứt sự phụ thuộc này mà không rơi vào tình trạng phụ thuộc khác. Để thay thế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch (than, khí đốt và dầu), các quốc gia thành viên EU phải tăng tốc và phối hợp phát triển các công nghệ “xanh” của chính mình.

Hướng tới “chủ quyền xanh”

Những rủi ro này đòi hỏi khối không chỉ chú ý nhiều hơn đến các nhà khai thác ngoài EU mà còn phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với hệ thống năng lượng của chính mình. Làm thế nào họ có thể làm được điều này trong khi vẫn theo đuổi tầm nhìn về “nguồn cung cấp năng lượng xanh, an toàn và giá cả phải chăng” được nêu trong Thỏa thuận Xanh?

Để làm được điều đó, tác giả cuốn sách khuyến nghị, các quốc gia thành viên EU cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng mạng lưới năng lượng thực sự của châu Âu. Khi tiến tới quá trình khử cacbon, châu lục có thể mong đợi một loạt năng lượng tái tạo sẽ cung cấp năng lượng ngày càng nhiều cho hệ thống điện. Những thỏa thuận này sẽ yêu cầu các mạng lưới rộng khắp và kết nối với nhau trên quy mô châu Âu, phải được chính các quốc gia thành viên EU củng cố và phát triển.

Ngoài ra là vấn đề tài trợ cho năng lượng xanh. Vào tháng 11 năm ngoái, Cơ quan quan sát trung lập khí hậu châu Âu đã cảnh báo việc thiếu đầu tư công ở cấp độ liên minh vào năng lượng xanh và những tiến bộ khác có thể khiến khối này không đạt được mục tiêu.

Thay vì chú ý đến cảnh báo, tháng 2 năm nay, các quốc gia thành viên đã cắt quỹ dành riêng cho năng lượng tái tạo và công nghệ sạch - còn gọi là Nền tảng công nghệ chiến lược cho châu Âu (STEP) - xuống còn 1,5 tỷ Euro.

Các tác giả cuốn sách trên kêu gọi một sự thay đổi căn bản về chiến lược, một mặt thông qua việc tạo ra “tài khoản tiết kiệm chuyển đổi châu Âu” để thu hút tiết kiệm tư nhân, mặt khác là phát triển “quỹ chủ quyền châu Âu” để quản lý tiền thu được từ doanh thu định giá carbon.

Những điều này có thực sự thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Những kết quả hướng tới tham vọng cao hơn của châu lục có thể giúp nhìn thấy các giải pháp sạch, giá cả phải chăng và an toàn. Việc tiếp tục hướng tới quyền chủ nghĩa dân tộc có thể gây nguy hiểm hơn nữa cho kinh tế EU.

(theo The Conversation)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tranh-vo-dua-gap-vo-dua-tuyet-tinh-nang-luong-nga-eu-mac-luoi-cua-my-trung-quoc-270600.html