Trịnh Hoài Đức công thần nhiều công đức ( Bài 1)

>>> Bài 1: Tuổi thơ bình dân, trưởng thành vinh hiển

Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về Trịnh Hoài Đức, phần lớn viết về thời hiển đạt, ít có tài liệu nêu rõ về nguyên quán, tuổi thơ của ông. Trịnh Hoài Đức (có tên khác gọi là An, tên tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai), tuổi “con gà”, sinh năm Ất Dậu (năm 1765), mất cũng năm Ất Dậu (năm 1825), nguyên quán ở làng quê nghèo Phúc Hồ, thuộc quận Trường Lạc (nay thuộc TP.Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến), nơi nhìn ra eo biển Đài Loan.

Tượng Trịnh Hoài Đức ở Vườn tượng danh nhân văn hóa, Văn miếu Trấn Biên

Cuộc đời của Trịnh Hoài Đức có thể chia thành hai chặng: Tuổi thơ bình dân và trưởng thành vinh hiển.

Thân phận bình dân

Thế kỷ XVIII, ông nội Trịnh Hoài Đức là Trịnh Hội theo đoàn người Hoa phản Thanh phục Minh vượt biển vào Đàng Trong, ngụ cư tại vùng đất mới (do Nguyễn Cảnh định danh là xã Thanh Hà, thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa); lúc đầu thử làm gốm da chu, sau làm nghề buôn bán, dần trở nên khá giả.

Cha Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh ham học, nổi tiếng là chữ đẹp và cao cờ; lúc nhỏ học thi thư, lớn lên thông lục nghệ, bỏ tiền của mua được chức quan nhỏ trông coi việc thu thóc; vì để thóc chìm nên bị quan trên chuyển xuống cho làm lại tốt ở đội Tả phùng dực, rồi đến kinh đô Phú Xuân nộp tiền để nhận áo mũ hàng lục phẩm và nhận việc ở phủ Tân Bình, mang gia quyến đi theo.

Riêng Gia định Thành thông chí, Trịnh Hoài Đức biên soạn trong thời gian đương nhiệm tại Gia Định (không rõ cụ thể từ năm nào) gồm 6 quyển: Quyển I: Tinh dã chí; Quyển II: Sơn Xuyên chí; Quyển III: Cương vực chí; Quyển IV: Phong tục chí; Quyển V: Sản vật chí; Quyển VI: Thành trì chí. Đây được xem là bộ sách kinh điển về địa phương Nam bộ, hiện đã có nhiều bản dịch; những người nghiên cứu lịch sử văn hóa Nam bộ đều có căn cứ từ đấy với lòng tin phục về tài năng, tâm huyết và phương pháp khoa học của học giả Trịnh Hoài Đức.

Thời gian ở phủ Tân Bình với cha, Trịnh Hoài Đức học hành trong vòng tay mẹ và chỉ dẫn của thầy giáo làng dạy ấu học trong vùng.

Đến năm lên mười tuổi, Trịnh Hoài Đức mồ côi cha, theo mẹ và anh chị về chỗ ở cũ tại xã Thanh Hà để phụng dưỡng bà nội. Nhiều tài liệu có khác nhau sau sự cố này. Lê Quang Trường cho rằng Trịnh Hoài Đức theo mẹ về lại Biên Hòa, sống đời dân dã. Từ năm 1776, quân Tây Sơn đánh chiếm Trấn Biên, mẹ Trịnh Hoài Đức lại đưa cả nhà đến trấn Phiên An, lưu ngụ tại huyện Tân Long, sống nhờ nghề canh cửi của người mẹ quả phụ. Dù nghèo khó, kiếm sống vất vả trong loạn lạc, mẹ Trịnh Hoài Đức vẫn luôn nghiêm nghị, khuyên dạy và dồn sức cho Trịnh Hoài Đức theo thầy học tập.

Trong thôn xóm, trẻ thiếu thầy dạy, phần lớn chỉ biết tự học, tự giảng. Trịnh Hoài Đức cùng người bạn cùng cảnh ngộ lớn hơn 3 tuổi là Ngô Nhân Tĩnh tìm đến thọ học thầy Xử sĩ Võ Trường Toản; cùng học còn có Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, sau đều trở thành công thần triều Nguyễn Gia Long. Khi quân Tây Sơn tiến Gia Định lần nữa (khoảng năm 1783), Trịnh Hoài Đức cùng gia đình chạy loạn, có lúc đến Cao Miên, có lúc về Mỗi Suy (Bà Rịa).

Như vậy, từ thơ ấu đến tuổi ba mươi ba “tam thập nhi lập”, cuộc đời của Trịnh Hoài Đức luôn trong bối cảnh gia đình “gánh mẹ” neo đơn, chạy loạn, vượt khó học hành.

Công thần đầu triều

Đến năm 1788, khi Nguyễn Ánh thu phục Gia Định, dựng phủ Soái, mở khoa thi, chiêu mộ nhân tài thì Trịnh Hoài Đức ứng thí, được tuyển dụng. Cuộc đời vinh hiển mở ra từ đây.

Trịnh Hoài Đức bắt đầu công vụ bằng chức vụ Hàn Lâm chế cáo ngay khi trúng tuyển; sau đó được bổ làm Tri huyện Tân Bình (năm 1789), rồi được kiêm Điền Tuấn coi việc khai khẩn đất Gia Định; nhậm chức Đông cung Thị giảng (năm 1793); Ký lục dinh Trấn Dinh, Hộ bộ Hữu tham tri (năm 1794), Tiếp vận quân lương (năm 1801); Thượng thư Bộ Hộ, Chánh sứ sang Đại Thanh (năm 1802); hai lần Hiệp trấn Gia Định thành phụ tá Tổng trấn Nguyễn Văn Nhân (các năm 1808, 1816); Thượng thư Bộ Lễ kiêm quản Khâm thiên giám (năm 1812); hai lần Thượng thư Bộ Lại (năm 1811, và từ năm 1814-1820); Quyền Tổng trấn Gia Định thành (năm 1820); Binh bộ Thượng thư sung chức Phó tổng tài Quốc tử giám, thăng Hiệp biện Đại học sĩ (từ năm 1820); Giám khảo Kỳ thi Ân khoa (năm 1822).

Năm 1823, ở tuổi 58, nghĩ mình đã già yếu, Trịnh Hoài Đức dâng sớ từ quan, nhưng ông chỉ được vua phê chuẩn nghỉ dưỡng 3 tháng; sau đó về Phú Xuân tiếp tục công việc, cho đến khi qua đời.

Trịnh Hoài Đức là một khai quốc công thần của Nguyễn vương Phúc Ánh, công thần đầu triều Nguyễn được giao nhiều việc hệ trọng, việc nào cũng hoàn thành tốt, được vua tin cậy, ban nhiều đặc ân: Ban tiền để xây nhà ở do thanh liêm không có dinh thự riêng; ban thuốc quý khi dưỡng bệnh. Khi ông mất, vua truy tặng hàm “Thái bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ”, tên thụy là Văn Khắc; ban lệnh làm tang lễ trọng thể, an táng tại quê nhà theo nguyện vọng; cử hoàng tử Miên Hoằng đến viếng tang, danh thần Lê Văn Duyệt phúng viếng và di quan an táng tại làng Bình Trước (nay thuộc P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa).

Linh vị của Trịnh Hoài Đức được đưa vào điện thờ tại miếu Trung hưng Công thần (năm 1852) và đền Hiền Lương (năm 1858).

Đa tài, đa năng

Hiếm có vị đại quan công thần nào như Trịnh Hoài Đức: Xuất thân bình dân, vinh hiển tột bậc, thăng tiến thực tài, tâm đức rạng ngời, lập công thời trung hưng, tận tụy phụng sự hai đời vua (Gia Long, Minh Mạng).

Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức tại TP.Biên Hòa

Thân là quan đầu triều, nhưng Trịnh Hoài Đức không có gia sản đáng kể, không dinh thự riêng, đến cuối đời mới được vua ban 2 ngàn quan tiền để xây nhà ở. Năm Đinh Sửu 1817, ông về quê tham gia việc trùng tu Thất phủ cổ miếu, phát hiện dấu hiệu ông nội là Trịnh Hội tham gia việc khởi dựng, cha là Trịnh Khánh góp phần trùng tu năm 1743, nỗi niềm người con của xứ sở Trấn Biên rưng rưng nước mắt.

Xét việc Trịnh Hoài Đức đã thực hiện tốt các việc được giao ở nhiều lĩnh vực, ông là người đa tài, đa năng lực: Quản lý việc khai khẩn ruộng đất (quan Điền Tuấn); quản lý hành chánh địa phương (Tri huyện Tân Bình, hai lần Hiệp Tổng trấn và một lần Quyền Tổng trấn Gia Định thành); đại thần trọng trách điều hành các nhiệm vụ quốc gia về hành chính, lễ nghi, tài nguyên, văn hóa, quốc phòng (Thượng thư 4 bộ); mẫu mực trong giáo dục tạo nguồn nhân lực (Đông cung Thị giảng, Phó tổng tài Quốc tử giám, Giám khảo Kỳ thi Ân khoa), giỏi việc quân lương hậu cần (Tiếp vận quân lương); nhà ngoại giao thực tài (Chánh sứ đi sứ sang Đại Thanh)…

Công đức của Trịnh Hoài Đức được người đời sau ghi nhớ nhiều nhất có lẽ là tri thức văn hóa. Ông là người hiến kế vua Minh Mạng ban “Chiếu cầu sách cũ” (năm 1820) và chính ông là người thực hiện công đầu, dâng lên vua những bộ sách quý: Gia Định Thành thông chí (chính ông biên soạn), Bột di ngư văn thảo (của Mạc Thiên Tứ), Lịch đại kỷ nguyên và Khang tế lục; khuyến khích người bạn Lê Quang Định dâng lên vua Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Đó là những bộ sách kinh điển mang giá trị văn hóa muôn đời.

Trịnh Hoài Đức còn để lại cho đời di sản thơ văn giàu cảm xúc, nhiều tâm sự: Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập, Đi sứ cảm tác. Qua các thi tập của ông, có thể thấy một thi nhân tài hoa, đa tình, đa cảm; có lẽ vậy mà ông được thi hữu yêu quý, xem ông là cốt lõi trong “Gia Định Tam gia”, hạt nhân trong văn đàn “Bình Dương Thi xã”.

H.V.T

Bài 2: Chuyến đi sứ của Trịnh Hoài Đức và Quốc hiệu Việt Nam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/trinh-hoai-duc-cong-than-nhieu-cong-duc-bai-1-5572d88/