Ukraine 'chịu đựng và mất mát' thế nào trong khi chờ viện trợ Mỹ?

Ukraine buộc phải quay về thế bị động phòng thủ khi tình trạng thiếu đạn dược ngày càng nghiêm trọng hơn, trao quyền chủ động trên toàn chiến trường cho lực lượng Nga.

Gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine cuối cùng cũng đã được phía Mỹ duyệt. Kết quả này đã giúp Ukraine “thở phào nhẹ nhõm” sau nhiều tháng chờ đợi và liên tục kêu gọi viện trợ.

Trả lời phỏng vấn đài MSNBC ngày 21-4, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng sự chậm trễ của Mỹ trong việc thông qua gói viện trợ 61 tỉ USD "đã gây ra hậu quả thực sự" cho Ukraine.

“Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã bị [quân Nga] áp đảo về vũ khí. Chúng tôi nhận thấy rằng ít tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga bị bắn hạ chỉ vì Ukraine đang thiếu hệ thống phòng không và đạn dược” - ông Stoltenberg nói, nhấn mạnh rằng hỏa lực của Nga gấp 5 hoặc 10 lần Ukraine tùy vào từng mặt trận.

Theo tờ The Kyiv Independent, trong hơn 7 tháng ròng mòn mỏi đợi quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ, Ukraine đã chịu nhiều thất bại trước các lực lượng Nga, chẳng hạn như: mất thêm một số phần lãnh thổ; hạ tầng năng lượng bị không kích; và tổn thất lớn về nhân lực.

Lãnh thổ

Mặc dù chiến tuyến ở Ukraine chỉ thay đổi nhỏ so với các giai đoạn trước của cuộc chiến, nhưng những tiến bộ đạt được đều có lợi cho Nga.

Việc Mỹ chậm trễ viện trợ đồng nghĩa Ukraine chỉ có thể đứng ở thế phòng thủ (bị động), trao quyền chủ động trên toàn chiến trường cho lực lượng Moscow.

“Viện trợ đến quá muộn. Tình trạng thiếu hụt trang thiết bị khiến Ukraine mất thế chủ động kể tháng 10-2023” - bà Kateryna Stepanenko, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ), nhận định.

Theo bà Stepanenko, Ukraine đã mất 583 km 2 lãnh thổ vào tay lực lượng Nga kể từ đó, phần lớn là do thiếu đạn pháo.

Binh sĩ Ukraine trên xe bộ binh bọc thép trên đường đến TP Avdiivka (Donetsk) vào ngày 14-2. Ảnh: GETTY IMAGES

Lần mất lãnh thổ lớn nhất đối với Ukraine là thành phố Avdiivka (Donetsk) - vốn là thành trì luôn nằm trên tuyến đầu xung đột Nga-Ukraine. TP này đã đã rơi vào tay lực lượng Nga vào ngày 17-2 sau cuộc tấn công liên tục của quân Nga kéo dài nhiều tháng.

Trong những ngày trước khi Ukraine rút quân, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã cảnh báo tình trạng thiếu pháo binh có thể dẫn đến nguy cơ mất thành phố. Sau khi Avdiivka thất thủ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thẳng thừng đổ lỗi cho sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ.

“Sáng nay, quân Ukraine đã buộc phải rút khỏi Avdiivka. Quốc hội [Mỹ] không hành động khiến Ukraine thiếu đạn dược, tạo cơ hội cho Nga đạt được thắng lợi đáng chú ý đầu tiên sau nhiều tháng” - ông Biden nói hôm 17-2, sau khi hay tin Nga đã chiếm được Avdiivka.

Bất chấp những bước tiến của Nga, chiến dịch Avdiivka cũng khiến quân Moscow vô cùng tốn kém về nhân lực và trang thiết bị. Moscow được cho là đã mất hơn 20.000 quân, 199 xe tăng và 481 xe chiến đấu bọc thép trong khu vực đó chỉ trong hai tháng đầu năm nay.

Những nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát thêm nhiều phần lãnh thổ khác Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra. Theo The Kyiv Independent, Nga đang cố gắng tận dụng giai đoạn giữa thời điểm dự luật viện trợ được thông qua và viện trợ thực sự đến chiến trường để tiếp tục giành kiểm soát thêm nhiều khu vực ở Ukraine.

Quân đội Ukraine hôm 22-4 cho biết khoảng 20.000 đến 25.000 binh sĩ Nga hiện đang cố gắng tấn công TP Chasiv Yar và các khu định cư ở ngoại ô TP này. Chasiv Yar nằm trên vùng đất cao, được dùng làm điểm tập kết và căn cứ pháo binh tiền phương của quân đội Ukraine. TP này đã bị quân Nga bắn phá nặng nề.

Chuyên gia quân sự Rob Lee - thành viên cấp cao trong chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại - cho biết: "Chasiv Yar nằm trên vùng đất cao. Nếu Nga có thể chiếm được thành phố này, họ có thể tăng tốc độ tiến quân [vào sâu trong Ukraine]".

Hạ tầng năng lượng

Trong mùa thu đông năm 2022-2023, Nga gần như đạt được mục tiêu phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng ở các thành phố lớn của Ukraine, gồm cả thủ đô Kiev (tỉnh cùng tên).

Chiến dịch này là một trong những yếu tố chính khiến phương Tây xúc tiến cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine, trong đó có tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất.

Trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2023, nhiều cuộc tấn công trên không của Nga vào Kiev đã bị đánh chặn thành công. Đến đầu năm 2024, mọi thứ lại diễn biến rất khác, theo The Kyiv Independent.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hàng loạt của Nga tuy ít thường xuyên nhưng lại có sức tàn phá lớn hơn nhiều khi mà Ukraine đã dần cạn kiệt đạn dược cần thiết để cung cấp cho các hệ thống phòng không.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là vụ Nhà máy Nhiệt điện Trypillia ở TP Ukrainka (tỉnh Kiev) bị phá hủy hoàn toàn hồi 11-4 vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 16-4, ông Zelensky đã nói rõ lý do tại sao 4 trong số 11 tên lửa Nga bắn vào nhà máy lại không bị đánh chặn.

"Tại sao? Bởi vì chúng tôi không còn tên lửa [phòng không] nào cả. Chúng tôi đã dùng hết tất cả tên lửa sẵn có bảo vệ nhà máy Trypillia rồi" - ông nói.

Các thành phố khác của Ukraine có ít hệ thống phòng không hơn Kiev thậm chí còn ở tình trạng tồi tệ hơn. Thị trưởng TP Kharkiv - ông Ihor Terekhov ngày 17-4 cảnh báo TP Kharkiv có nguy cơ bị san bằng nếu không được cung cấp thêm các hệ thống phòng không.

Một đường dây điện cao thế bốc cháy ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 22-3 sau khi trúng không kích. Ảnh: REUTERS

Nga gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Kharkiv bằng tên lửa, bom lượn và UAV, nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự trong khu vực. Các cuộc tấn công hồi tháng 3 của Nga đã gây thiệt hại nặng nề cho DTEK (công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine), khiến công ty này mất 80% công suất nhà máy.

Ngày 23-4, nhà điều hành năng lượng quốc doanh Ukrenergo của Ukraine cho biết nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do Nga tấn công vào hệ thống năng lượng, buộc công ty này phải tạm thời hạn chế cung cấp điện cho các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp.

Nhân lực

Không có dữ liệu công khai về số quân Ukraine thiệt mạng trên chiến trường trong lúc dự luật viện trợ của Washington đang bị kẹt lại ở quốc hội Mỹ, nhưng ông Zelensky hồi tháng 2 cho biết rằng tổng số lính thiệt mạng kể từ khi bắt đầu chiến sự là khoảng 31.000 người.

Phần mình, phía Nga mấy tháng gần đây cũng liên tục công bố số binh sĩ Ukraine bị hạ trong các trận chiến ở các tỉnh miền đông, nam. Đặc biệt là ở các TP chủ lực như Lyman, Bakhmut, Avdiivka (Donetsk), hay các mặt trận lớn ở Kharkiv, Kherson, Zaporizhia.

Theo bản cập nhật tình hình chiến sự hằng ngày mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, mỗi ngày các lực lượng Moscow đều hạ hàng trăm binh sĩ, có ngày lên hơn 1.000 binh sĩ Ukraine.

Có thể thấy con số thương vong là vô cùng lớn.

Phía Ukraine chưa bao giờ khẳng định các con số mà phía Nga đưa ra, tuy nhiên gần đây Tổng tư lệnh quân đội Ukraine - ông Oleksandr Syrskyi cũng thừa nhận tình hình tiền tuyến đã "xấu đi đáng kể”.

Ukraine cũng đang cấp tập nỗ lực bổ sung lực lượng chiến đấu đang kiệt quệ trên chiến trường, vốn đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga, theo tờ The New York Times.

Ngày 23-4, Ukraine cho biết đã đình chỉ các dịch vụ lãnh sự đối với những công dân nam trong độ tuổi đi nghĩa vụ nhưng đang sinh sống ở nước ngoài không chịu trở về Ukraine để phục vụ đất nước trong cuộc chiến với Nga, theo hãng tin Reuters.

Có thể thấy rằng Ukraine hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt binh sĩ chiến đấu, và tình trạng này đang ngày càng cấp bách hơn, buộc chính phủ phải áp các biện pháp mạnh cũng như ưu đãi để kêu gọi công dân nhập ngũ.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ukraine-chiu-dung-va-mat-mat-the-nao-trong-khi-cho-vien-tro-my-post787254.html