Ứng dụng khoa học - công nghệ trong xử lý rác thải

Xác định việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là giải pháp xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, huyện Quảng Xương đã tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình 'Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh tại hộ gia đình' và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh.

Ông Nguyễn Đức Châu, thôn Xa Thư, xã Quảng Bình sử dụng men vi sinh tự chế xử lý rác thải làm phân bón hữu cơ cho rau màu.

Thôn Xa Thư, xã Quảng Bình đã không còn hình ảnh những thùng rác đầy ứ, ắp bốc mùi hôi thối nằm dọc tuyến đường đợi công nhân vệ sinh thu gom. Thay vào đó là những cung đường khang trang, sạch đẹp. Có được điều này là nhờ những người dân nơi đây đã ứng dụng KHCN, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học. Không chỉ giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường mà cách làm mới này còn tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Ông Nguyễn Đức Châu - người dân thôn Xa Thư, cho biết: “Trước đây, lượng rác thải sinh hoạt của gia đình chủ yếu được tập kết tại điểm để các đơn vị thu gom xử lý. Năm 2020 chúng tôi được hướng dẫn phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải. Từ khi thực hiện phân loại, xử lý rác thải, gia đình giảm được lượng rác thải phải đem đi tiêu hủy, hạn chế được mùi hôi thối phát sinh từ rác thải hữu cơ và có thêm nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng, giúp tiết kiệm được tiền mua phân, các chi phí cho thu gom, vận chuyển rác thải cũng giảm đi đáng kể”.

Tại xã Quảng Bình, việc triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn được thực hiện quyết liệt từ đầu năm 2018, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai tập huấn, xã đã tập trung phân loại rác tại nguồn, triển khai xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học. Cùng với đó, nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đã được xây dựng và triển khai, như: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Ðổi phế liệu lấy cây xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, “Thùng rác thân thiện”, “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”... Các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của các hội, đoàn thể đã góp phần quan trọng trong việc dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực, nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ông Lê Thanh Bảo, Chủ tịch UBND xã Quảng Bình, cho biết: “Thông qua mô hình “Phân loại xử lý rác tại hộ gia đình bằng men vi sinh” đã từng bước thay đổi nhận thức, tạo thói quen về thực hiện thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình của người dân. Vì vậy lượng rác thải hữu cơ đưa ra môi trường được giảm thiểu đáng kể. Bên cạnh đó với việc xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh giúp cho người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe, giảm được áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác môi trường. Để tiếp tục phát huy hiệu quả và tạo sự lan tỏa của mô hình, trong thời gian tới UBND xã tiếp tục đẩy mạnh đổi mới các hình thức tuyên truyền đến tất cả người dân, vận động khai thác các nguồn lực để hỗ trợ việc thực hiện mô hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt mô hình. Từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và người dân trong công tác bảo vệ môi trường".

Không chỉ có xã Quảng Bình, hiện nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Xương đều hướng dẫn người dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, sử dụng chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ. Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, từ năm 2021 trở về trước, khi người dân chưa quan tâm thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, lượng rác thải rắn từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân thải ra môi trường khoảng 150 tấn/ngày đêm. Để giải quyết bài toán rác thải, huyện đã triển khai xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình. Nhờ đó nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt, người dân đã phân loại, tận dụng những rác thải thuộc nhóm hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ... Theo đó, lượng rác phải thu gom hiện nay của toàn huyện chỉ còn khoảng 100 tấn/ngày.

Ông Chu Đức Khương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Xương, cho biết: “Để áp dụng rộng rãi phương pháp xử lý rác thải tại hộ gia đình này, huyện Quảng Xương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động đầu tư kinh phí để phân loại rác thải; hướng dẫn các hộ thực hiện quy trình, kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; nhân rộng mô hình “Ngôi nhà xanh”, bán rác thải tái chế để giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo tại địa phương... Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, coi tuyên truyền, giáo dục là giải pháp hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường, để toàn dân và các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, tinh thần tự giác trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó tạo sự đồng thuận trong cộng đồng về chung tay bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”.

Bài và ảnh: Minh Khanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-xu-ly-rac-thai/205355.htm