Vì sao các tập đoàn lớn chưa muốn mua tín chỉ carbon?

Giá tín chỉ carbon trên thị trường đang có xu hướng giảm khiến công cụ tài chính này đang bị 'nghi ngờ' chưa thể là động lực chính trong quá trình thúc đẩy mục tiêu Net Zero trên toàn cầu.

Các tập đoàn năng lượng hóa thạch và các khách hàng lớn của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện bắt đầu tự nghi ngờ các nỗ lực giảm tình trạng nóng lên toàn cầu của họ. Đồ họa: Nikkei Asia

Các tập đoàn năng lượng hóa thạch và các khách hàng lớn của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện bắt đầu tự nghi ngờ các nỗ lực giảm tình trạng nóng lên toàn cầu của họ. Đồ họa: Nikkei Asia

Nhu cầu tín chỉ carbon tự nguyện đã bão hòa?

Về tổng thể, có hai loại hình tín chỉ carbon hay giao dịch phát thải chính. Một là do các tổ chức công như Liên hiệp Châu Âu (EU) công bố thực hiện, mang tính chất bắt buộc, tuân thủ (compliance). Hai là các khoản tín dụng do các nhà phát triển dự án tư nhân cung cấp và trao đổi, theo thể thức tự nguyện (voluntary). Nếu một doanh nghiệp bị cơ quan công quyền, như EU chẳng hạn, áp đặt mức giới hạn thì doanh nghiệp đó phải mua trợ cấp từ các chương trình được pháp luật quy định để bù đắp lượng khí thải vượt trần. Các công ty đặt ra mục tiêu giảm thải tự nguyện sẽ sử dụng tín dụng tư nhân để đạt được mục tiêu giảm phát thải của mình.

Tháng 10-2023, CEO Wael Sawan của Shell đã gây xôn xao khi công bố tập đoàn dầu khí này hủy bỏ kế hoạch chi 100 triệu USD mỗi năm để bù đắp lượng phát thải. Hãng dầu khí Anh đã lên kế hoạch mua các khoản tín chỉ carbon trị giá 120 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm đến năm 2030. Shell mua tín chỉ carbon ở các thị trường tư nhân, trên tinh thần tự nguyện, nhằm bù đắp lượng khí thải từ quá trình sản xuất và vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trước khi bán nhiên liệu cho những khách hàng quan tâm đến môi trường.

Tuy vậy, Shell và nhiều tập đoàn lớn khác đã quyết định không sử dụng tín dụng tư nhân vì nghi ngờ tính hiệu quả các dự án bù đắp này. Hợp đồng tương lai tín dụng carbon được giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã giảm mạnh do nhu cầu dự báo sẽ yếu hơn, với hợp đồng tương lai bù đắp bao gồm lượng khí thải của các hãng hàng không chạm mức thấp sau khi niêm yết vào tháng 11.

“Danh tiếng” của các dự án tư nhân

Tín dụng tư nhân thường liên quan đến các khoản đền bù dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như các dự án bảo tồn rừng. Các nhà phát triển dự án sẽ cấp tín dụng carbon sau khi các cơ quan chứng nhận tư nhân xác nhận lợi ích môi trường của họ. Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia, bao gồm cả giáo sư Đại học Cambridge, gần đây đã phát hiện ra rằng chỉ có 6% khoản tín dụng này giúp giảm mức phát thải như đã hứa hẹn sau khi kiểm tra 18 dự án bảo tồn rừng lớn.

Giao dịch tín chỉ carbon ở thị trường tư nhân vẫn còn nhỏ, với tổng giá trị đạt 1,9 tỉ đô la trong năm ngoái, chưa bằng 1% giao dịch trên hệ thống giao dịch phát thải công cộng. Nhưng các giao dịch tư nhân được xem là sự bổ sung cho các chương trình công cộng.

Giá tính chỉ carbon (đô la Mỹ/tấn CO2 tương đương) từ tháng 3-2021 đến tháng 11-2023. Nguồn: LSEG

Giá tính chỉ carbon (đô la Mỹ/tấn CO2 tương đương) từ tháng 3-2021 đến tháng 11-2023. Nguồn: LSEG

Năm 2015, thế giới đạt được hiệp ước khí hậu toàn cầu, tức Thỏa thuận Paris, nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5oC so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp (trước năm 1760). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó đạt được mục tiêu này trừ khi phải sử dụng các khoản tín dụng tư nhân rẻ tiền, dễ tiếp cận. Với nỗ lực giảm phát thải hiện nay, thế giới có thể sẽ sớm đạt tình trạng nóng ấm dần trên toàn cầu vào năm 2030.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của tín dụng tư nhân trong việc hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các nhà hoạt động khí hậu từ lâu đã kêu gọi các công ty tự cắt giảm lượng khí thải thay vì dựa vào việc bù đắp lượng carbon mua từ nơi khác. Một số công ty rõ ràng đã bắt đầu lo lắng về rủi ro danh tiếng khi dính líu đến các khoản tín dụng có chất lượng đáng ngờ.

Hãng nghiên cứu thị trường Carbon Direct của Mỹ dự báo rằng, việc phát hành tín dụng tư nhân (tín chỉ carbon tự nguyện) sẽ giảm 5% trong năm nay so với một năm trước đó. Khi các công ty hàng không và năng lượng bắt đầu ngừng mua hàng, các nhà phát triển (chủ dự án) dường như đang cắt giảm việc cấp tín dụng hoặc đình chỉ các dự án. Đây được xem là động thái có thể tác động nghiêm trọng đến nỗ lực khử giảm phát thải toàn cầu.

Theo Nikkei Asia, Carbon Direct

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-cac-tap-doan-lon-chua-muon-mua-tin-chi-carbon/