Việt Nam có khả năng hiện thực hóa cơ hội bán dẫn trong vòng 2 năm

Cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có, nhưng thời gian là vấn đề cốt yếu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng thời gian là yếu tố cốt yếu, và Việt Nam cần có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại.

Cơ hội “nghìn năm có một”

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD (khoảng 30 - 50% tổng đầu tư) để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.

Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố Chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm. Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí. Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.

Việt Nam cũng là quốc gia có bước đi nhanh hơn, bài bản hơn so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực với việc đưa nội dung phát triển nguồn nhân lực thành một đề án tổng thể để thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.

Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...; Có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm….

“Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Trong các cuộc làm việc cấp cao của Thủ tướng Chính phủ với các đối tác Hoa Kỳ vừa qua, phía Hoa Kỳ đều nhấn mạnh, Việt Nam để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 03 nội dung cốt lõi: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; Đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT kể về cuộc gặp cách đây một tuần với Đại sứ Mỹ, đại sứ Nhật Bản, đại sứ Singapore. “Có vị đại sứ nói với tôi rằng: Ông không biết cơ hội của đất nước ông lớn thế nào đâu. Nhưng các ông chỉ có 18 tháng thôi. Họ cũng không giải thích cho tôi vì sao. Có hai vấn đề: Một là cơ hội gì; hai là thời hạn nào?”, ông Bình nói.

Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT, cơ hội ở đây là bán dẫn. Ngành bán dẫn chọn quốc gia, dân tộc nhưng Việt Nam chỉ có 18 tháng thôi vì thế giới sẽ không chờ chúng ta. Rồi thế giới sẽ phải chọn đường khác nếu chúng ta không đáp ứng kịp. Bằng mọi giá thế giới không thiếu chip được.

“Chúng ta phải tính thời gian 18 tháng bằng cách tiệm cận và đột phá. Tôi đồng ý cách tiếp cận của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là chúng ta nhìn vấn đề rất lớn, không làm việc nhỏ”, ông Bình nói. Trong 18 tháng phải thể hiện: Việt Nam không phải có cơ hội mà còn cam kết với cơ hội đó.

Bàn cách hiện thực cơ hội

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam, nhấn mạnh đây là cơ hội rất lớn đối với tất cả các quốc gia quan tâm đến việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Ở các quốc gia đã phát triển công nghiệp bán dẫn, nhất là các công ty toàn cầu như Intel, đang có những nhu cầu mới cần thay đổi và việc vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn là cơ hội đặc biệt.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần những chiến lược rất bài bản, sâu sát nhưng đồng thời chúng ta cũng không có nhiều thời gian. Vì vậy, phải có những kế hoạch rất nhanh, cụ thể. Chiến lược này liên quan đến rất nhiều góc độ từ đầu tư, nguồn lực cho đến con người, hạ tầng công nghệ…

Theo ông Thắng, về nguồn nhân lực nói chung của Việt Nam, có thể nói nhìn một cách vô cùng tích cực là tính sẵn sàng rất cao, từ những ngành đào tạo gián tiếp, đào tạo cơ bản hay đào tạo trực tiếp đều có tính sẵn sàng cao. Nhưng ông lưu ý, mặc dù tính sẵn sàng cao nhưng để làm việc được độc lập thì chúng ta có khoảng cách không nhỏ và những chính sách bàn bạc hôm nay cần xây được những cầu nối giữa sự sẵn sàng đó với sự chấp nhận của ngành công nghiệp bán dẫn thì chắc chắn chiến lược của Việt Nam sẽ thành công.

Hiến kế để nắm bắt cơ hội, ông Hùng Trần, Giám đốc điều hành Got It nêu rõ về sự cần thiết của việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm việc độc lập trong thời gian ngắn. "Bây giờ Việt Nam nói đến các con số là các kỹ sư đào tạo được là 50.000, nhưng cũng phải tìm được các con số thực hành là bao nhiêu người sẽ làm được việc tốt... Nếu trong chiến lược ngắn hạn chúng ta có những người nhanh chóng làm được việc trong vòng 24 tháng tới, thì phải ngay lập tức thu hút được đội ngũ này. Và trong chương trình đào tạo, đào tạo lý thuyết là một chuyện nhưng làm được việc là một chuyện khác", ông Hùng Trần chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, việc sản xuất thành công các con chip là một bước tiến lớn, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là việc không thể tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Ông nhấn mạnh kinh nghiệm của các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã chứng minh rằng việc tìm hiểu thị trường và lựa chọn sản phẩm phù hợp là quan trọng nhất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra quan điểm rằng ngành công nghiệp bán dẫn là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp điện tử. Chiến lược công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đã đặt ngành công nghiệp bán dẫn vào một bức tranh lớn hơn, không chỉ là một phần của công nghiệp điện tử. Ông nhấn mạnh rằng, chưa có quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử. Các quốc gia lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có nền công nghiệp điện tử phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam cần phát triển song hành với công nghiệp điện tử, và nguồn nhân lực cho hai ngành này cũng cần được phát triển đồng bộ.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-co-kha-nang-hien-thuc-hoa-co-hoi-ban-dan-trong-vong-2-nam-1099471.html