Vụ Vạn Thịnh Phát: HĐXX chưa xem xét đơn của CEO một tập đoàn tại Hồng Kông gửi

Đơn của CEO một tập đoàn từ Hồng Kong gửi về liên quan vụ Vạn Thịnh Phát chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên HĐXX không xem xét.

Ngày 2-4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Sau khi đại diện VKS phát biểu quan điểm tranh luận đối đáp, hôm nay, LS của bị cáo Trương Mỹ Lan và LS của các bị cáo khác tiếp tục tranh luận, đối đáp.

Theo đó, trong quá trình LS của bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày về văn bản đề ngày 27-3 của ông Justin Chiu, là Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn CK Asset Holdings Limited (Hồng Kông, tập đoàn do tỉ phú Lý Gia Thành sáng lập), chủ tọa phiên tòa cho biết văn bản này chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định nên HĐXX không xem xét và đề nghị LS nộp đầy đủ tài liệu chứng cứ để HĐXX xem xét quyết định.

 Chủ tọa phiên tòa cho biết không xem xét đơn của CEO một tập đoàn Hồng Kông gửi vì chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chủ tọa phiên tòa cho biết không xem xét đơn của CEO một tập đoàn Hồng Kông gửi vì chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đó, chiều 1-4, LS của bà Trương Mỹ Lan đã gửi HĐXX văn bản đề ông Justin Chiu gửi HĐXX. Cạnh đó, LS và bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho biết mong muốn khắc phục hậu quả của vụ án, gia đình bị cáo đã liên hệ với quỹ đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu châu Á. Với mong muốn được đề xuất giải pháp toàn diện liên quan đến SCB, bị cáo Lan mong muốn liên kết nhà đầu tư trên toàn cầu.

Vấn đề mà LS của các bị cáo quan tâm khi tranh luận đối đáp lại là xác định thiệt hại của vụ án.

Cụ thể, LS bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết trong vụ án này, việc xác định số tiền thất thoát, số tiền thiệt hại của SCB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng điều này quyết định đến tội danh và hình phạt của các bị cáo.

Trong phần tranh luận đối đáp, đại diện VKS cho biết không sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định thiệt hại của vụ án mà sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ khác theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự để xác định hậu quả.

 Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối đáp lại, LS bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung cho biết các biện pháp thu thập chứng cứ khác mà VKS dùng để để xác định thiệt hại hậu quả của vụ án là biện pháp nào trong khi tại phần trả lời thẩm vấn, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc ngân hàng SCB) xác định tổn thất của ngân hàng chỉ được xác định sau khi xử lý tài sản đảm bảo đối trừ với dư nợ gốc.

Các LS khi tranh luận đối đáp cũng cảm ơn và ghi nhận đại diện VKS đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo khi đã đối trừ giá trị tài sản bảo đảm cho dư nợ của các khoản vay, sử dụng giá trị tài sản bảo đảm của khoản vay này cho phép đối trừ dư nợ với khoản vay khác. Tuy nhiên, các LS cũng cho rằng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo chưa được áp dụng một cách triệt để.

Ngoài ra, trong phần tranh luận đối đáp, LS của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc ngân hàng SCB) việc cáo buộc bị cáo Dung phải chịu trách nhiệm đối với một số khoản vay là chưa chính xác, gây bất lợi cho bị cáo Dung. Ví dụ có khoản vay khi bị cáo Dung còn làm tại SCB thì có tài sản bảo đảm đủ hoặc nhiều hơn dư nợ nhưng sau khi bị cáo Dung nghỉ việc tại SCB thì các khoản vay này vẫn chưa bị hoán đổi tài sản bảo đảm (hoán đổi bằng các tài sản khác có giá trị thấp hoặc không đầy đủ pháp lý) do đó thiệt hại của các khoản vay này là chưa xảy ra nên không phải chịu trách nhiệm.

HỮU ĐĂNG

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-van-thinh-phat-hdxx-chua-xem-xet-don-cua-ceo-mot-tap-doan-tai-hong-kong-gui-post783330.html