Vùng dân tộc đổi thay nhờ chính sách

Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp bộ mặt nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Trần Văn Thời không ngừng được cải thiện.

Toàn huyện Trần Văn Thời có trên 2.190 hộ đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều ở 3 xã: Khánh Hưng, Khánh Bình Tây và Trần Hợi. Trong đó, Khánh Hưng là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất, với 416 hộ, chiếm 9,37% dân số toàn xã.

Những năm qua, nhờ được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cầu, lộ nông thôn, lưới điện, công trình nước sạch, trường học, trạm y tế; dạy nghề, đào tạo nghề; hỗ trợ xây cất nhà, vốn sản xuất, tạo sinh kế, nên đời sống hầu hết bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện có bước phát triển khá, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn.

Lộ bê tông thông thoáng ở ấp Kinh Ðứng B, xã Khánh Hưng.

Gia đình ông Huỳnh Lộc, dân tộc Khmer, ấp Kinh Ðứng B, xã Khánh Hưng, có 4 nhân khẩu, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng ông cùng lao động nhưng do thiếu vốn, ít đất sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, vợ chồng ông đầu tư cải tạo đất, trồng các loại hoa màu để bán. Thời gian rảnh, ông Lộc đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày một khởi sắc. Vợ chồng ông cất được căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng; có điều kiện chăm lo cho 2 con học hành chu đáo và thoát nghèo vào tháng 10/2022.

Từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế, nhiều hộ dân tộc Khmer đã tự lực vươn lên. Ðiển hình như ông Huỳnh Mác, 66 tuổi, ấp Kinh Ðứng B, xã Khánh Hưng. Sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất, ông mạnh dạn đầu tư vốn, lên liếp 5 công đất thực hiện mô hình sản xuất đa cây, đa con kết hợp.

Trên bờ liếp, ông trồng các loại cây ăn trái như: mãng cầu, mít, xen canh đậu bắp, dưa gang. Dưới mương, ông thả nuôi các loại cá ao hồ, cá đồng. Ông còn chăn nuôi thêm heo, gà, vịt để lấy ngắn nuôi dài. Hằng năm, ông trồng lúa 2 vụ trên diện tích 2,5 ha. Từ mô hình sản xuất đa cây, đa con kết hợp này, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình còn lãi trên 100 triệu đồng. Sau nhiều năm tích lũy, năm 2021, vợ chồng ông Mác đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng. Ông Huỳnh Mác còn được tín nhiệm làm Trưởng ban Quản trị chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi.

Từ mô hình sản xuất đa cây, đa con kết hợp, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông Huỳnh Mác lãi trên 100 triệu đồng.

Triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I: 2021-2025, huyện Trần Văn Thời đã thực hiện được nhiều dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tiểu dự án các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với số vốn hàng chục tỷ đồng.

Nhờ những chính sách đầu tư ưu tiên, diện mạo vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đang thay đổi từng ngày.

Ông Huỳnh Mác nhìn nhận: “Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà con ý thức hơn trong việc giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp, tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm ăn phát triển hơn mấy năm trước. Có được sự sung túc, phát triển này cũng nhờ các chính sách của Ðảng, Nhà nước đã hỗ trợ đồng bào dân tộc, nhất là về đất ở, nhà ở, vốn, giống, kỹ thuật sản xuất nên cuộc sống bà con đồng bào dân tộc Khmer ngày một khá lên”./.

Hà Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/vung-dan-toc-doi-thay-nho-chinh-sach-a32469.html