Xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng những vết thương và hậu quả do chiến tranh vẫn tồn tại trong cuộc sống của những gia đình người lính mang trong mình di chứng chất độc da cam.

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Lâm, 81 tuổi, thương binh hạng ¾, tiểu khu 19/8, Thị trấn nông trường Mộc Châu (Mộc Châu). Trong ngôi nhà nhỏ có treo bức ảnh của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đến thăm gia đình ngày 17/7/2017 đã thể hiện rõ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những người có công với cách mạng.

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Lâm, chăm sóc con gái Nguyễn Mỹ Lệ, nạn nhân chất độc da cam.

Ông Nguyễn Thanh Lâm tham gia quân đội từ năm 1965 đến năm 1983 nghỉ hưu trở về địa phương sinh sống. Giai đoạn 1965-1975, ông Lâm tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 812B, Sư đoàn 324, Quân khu 4, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Huế và đường 9 nam Lào. Với chức vụ Trưởng ban Quân giới, ông Lâm cùng đồng đội đã kịp thời khắc phục, sửa chữa nhiều loại vũ khí, khí tài phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam và lập nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, ông Lâm đã chế tạo thành công mìn định hướng chống càn và đổ bộ, gây nhiều thương vong cho quân địch.

Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam một lượng lớn hóa chất khai quang - diệt cỏ, vì vậy, chất độc da cam đã nhiễm vào nguồn nước uống của bộ đội ta. Hậu quả người con gái út của ông Lâm là em Nguyễn Mỹ Lệ, sinh năm 2002 bị dị dạng dị tật và suy giảm khả năng lao động 81% trở lên. Từ lúc mới sinh được hơn 1 tháng, em Lệ đã bị ốm nặng phải đưa về Hà Nội thay máu và bị liệt, chân tay co quắp, mọi hoạt động đều do bố, mẹ phục vụ.

Nhắc tới người con gái út của mình, ông Lâm buồn rầu: Hôm nào trở trời oi bức, cháu thường gào thét và co quắp chân tay suốt đêm nên vợ chồng ông phải thức trông. Do thương con, muốn con khỏi bệnh, cứ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là vợ chồng tôi lại không quản ngại trời mưa hay nắng, đường xá xa xôi, tức tốc lên đường đưa con đến chữa bệnh, tuy nhiên sức khỏe của cháu vẫn không được cải thiện.

Chia sẻ về những khó khăn và nguyện vọng của gia đình, ông Lâm nói: Vợ tôi hiện không có chế độ lương hưu và là người trực tiếp chăm sóc cháu Lệ. Theo quy định của Nhà nước, thương binh suy giảm khả năng lao động 81% trở lên có chế độ hỗ trợ tiền cho người chăm sóc. Tuy nhiên, những trường hợp nạn nhân chất độc da cam như cháu Lệ, bị dị dạng dị tật và suy giảm khả năng lao động 81% trở lên thì người chăm sóc là mẹ cháu chưa có chế độ hỗ trợ nào. Tôi mong Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ tiền cho người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, giúp những gia đình như chúng tôi vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Huyện Mộc Châu hiện có 73 nạn nhân chất độc da cam là người trực tiếp tham gia kháng chiến và con của cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ; trong đó, có 5 nạn nhân bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động hoặc có con bị dị dạng dị tật 81% trở lên; 29 nạn nhân bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động hoặc có con bị dị dạng dị tật 61%-80%; 13 nạn nhân bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động hoặc có con bị dị dạng dị tật 41%-60%; 26 nạn nhân bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 21%-40%.

Ông Đỗ Trí Dũng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu, cho biết: Các đối tượng nạn nhân chất độc da cam được chi trả trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nhà nước với mức từ gần 1 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Phòng cũng tích cực tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chính sách xã hội; thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo cho người có công, như: Hỗ trợ tiền xây nhà, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách trên địa bàn. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực ưu đãi người có công; đồng thời, phát động sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc người có công, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Thực tế cho thấy, những trường hợp cựu chiến binh có con là nạn nhân chất độc da cam đều có hoàn cảnh khó khăn, do bố hoặc mẹ thường xuyên phải ở nhà chăm sóc con bệnh tật, không phát triển được kinh tế gia đình. Vì vậy, mong muốn của ông Lâm cũng là mong muốn chung của nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam, mong được các cấp, các ngành nghiên cứu có chính sách hỗ trợ nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, kịp thời động viên những gia đình có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xoa-diu-noi-dau-da-cam-42039