Xúc động Lễ kỷ niệm 56 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Đợt 2

Dù bước đi chập chững trên đôi nạng, nhưng những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn xưa đã trao nhau những nụ cười ấm áp, những cái ôm thắm thiết khi gặp lại đồng đội cũ khiến các thế hệ trẻ hôm nay càng trân quý ý nghĩa của độc lập, tự do.

Ngày 5/5, Đảng bộ, Chính quyền phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 56 năm, ngày mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Đợt 2 (5/5/1968 - 5/5/2024).

Tại lễ kỷ niệm, các chiến sĩ đã thắp hương tưởng niệm những đồng đội, đồng bào đã hy sinh trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Đây cũng là dịp để các thế hệ trẻ hôm nay thăm hỏi, chăm lo cho các chiến sĩ, thân nhân và đồng bào không ngại gian nguy, tận tình giúp đỡ Cách mạng trong chiến dịch lịch sử này.

Các nữ chiến sĩ từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Đợt 2 thắm hương tưởng niệm những đồng đội, đồng bào đã hy sinh trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Tháng 3/1968, Trung ương Cục họp Hội nghị lần thứ 6 đánh giá về kết quả đợt 1 của tổng công kích - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân. Về quân sự, chưa thực hiện được nhiệm vụ đòn xeo của tổng công kích. Về chính trị, chưa phát động được quần chúng đứng lên khởi nghĩa vũ trang, chưa động viên được sức người, sức của cho tiền tuyến, chưa phát triển được lực lượng cách mạng trong quá trình tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Chính vì vậy, Trung ương Cục chủ trương tổng công kích - tổng khởi nghĩa đợt 2.

Các cháu học sinh trên địa bàn phường Cầu Ông Lãnh thắp hương tưởng nhớ những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh

Đợt 2 chia làm 2 cao điểm: Cao điểm 1 từ ngày 5 - 21/5/1968 và cao điểm 2 từ ngày 25/5 - 18/6/1968. Cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên toàn Miền bắt đầu từ đêm 4/5/1968, đánh vào 30 thành phố, thị xã, quận lỵ, chi khu, 27 bộ tư lệnh từ quân đoàn đến trung đoàn, 40 sân bay, nhiều kho tàng và các trục đường giao thông thủy bộ của địch.

Tại địa bàn Quận 1, Quận 2 công tác chuẩn bị cho đợt 2 diễn ra rất khẩn trương. Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, Thành đoàn đã tăng cường cán bộ, đảng viên về các quận, huyện để bám trụ từng địa bàn, xây dựng cơ sở, phát động quần chúng, chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới.

Bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Bí thư thường trực quận ủy quận 1, TPHCM - thăm hỏi, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Tại các khu vực được bố trí theo thế liên hoàn như Đề Thám - Cô Bắc, Huỳnh Quang Tiên - Cô Giang, khu vực Cầu Kho, các chiến sĩ như Lê Hồng Quân, Năm Hưng, Lê Minh Hoàng (tức Ba Hùng), Nguyễn Thị Hiền đã mưu trí chở vào được hàng chục khẩu súng AK, súng ngắn, lựu đạn, thủ pháo dù, thuốc nổ, dây cháy chậm, đạn dược các loại,…; cánh vũ trang thanh niên do nữ biệt động Lê Hồng Quân phụ trách cũng chuyển vào được nhiều vũ khí, chất nổ và đưa lực lượng vào an toàn trước giờ nổ súng.

Đúng 4 giờ sáng ngày 5/5/1968, các cánh quân đã bung ra hành động theo kế hoạch đã định. Tại địa bàn Đề Thám - Cô Bắc - Cô Giang, lực lượng biệt động của Quận đoàn thanh niên đã tập trung bọn liên gia trưởng, cảnh sát, lính… để cảnh cáo, phổ biến chính sách khoan hồng của cách mạng, phát loa kêu gọi nhân dân nổi dậy diệt ác phá kềm, nghi binh trấn áp tinh thần bọn cảnh sát dã chiến chốt trên các cao ốc gần đó, thu sổ gia đình xé nát để phá rối địch lâu dài. Nhân dân khu vực này hưởng ứng lời kêu gọi đã dùng gạch đá lấp các ngõ hẻm, bên trong nổi dậy diệt ác phá kềm giành quyền làm chủ. Sau nhiều giờ, địch mới hoàn hồn, điều động lực lượng đến giải tỏa.

Lực lượng ta dựa vào các công sự đẩy lui được nhiều đợt tấn công, sau đó rút vào hẻm 85 Đề Thám cầm cự. Cuối cùng, khi không có lực lượng chủ lực hỗ trợ như đã hiệp đồng, đạn sắp hết, hai nữ biệt động Lê Thị Bạch Cát (tức Sáu Xuân) và Lê Hồng Quân đã chủ động cầm chân giặc để đồng đội rút lui. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Trong giờ phút đối mặt cái chết, các chiến sĩ biệt động đã nêu cao phẩm chất, bản lĩnh như nữ Biệt động Lê Hồng Quân bị thương nặng đã phải tự cắt một cánh tay, tiếp tục chiến đấu hay chiến sĩ Nguyễn Văn Quang, một đoàn viên trẻ tuổi, bị thương nặng vẫn không rời vũ khí.

Các đồng đội cũ vui mừng khi gặp lại nhau

10h sáng ngày 5/5/1968, sau khi tăng cường lực lượng lớn có cả quân Mỹ và xe bọc thép vây kín lực lượng nhỏ bé của ta và sau khi các chiến sĩ ta hết đạn, kiệt sức, địch mới xông vào được. Nhiều chiến sĩ biệt động bị địch bắt, tra tấn dã man. Trong đó, chiến sĩ Nguyễn Văn Quang trước khi tắt thở còn cất tiếng hát làm cho kẻ địch kinh ngạc và thán phục.

Cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 đã đi vào lịch sử như là một trong những sự kiện sáng chói, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đấu tranh dẫn tới thắng lợi cuối cùng ngày 30/4/1975.

Nguyễn Song

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xuc-dong-le-ky-niem-56-nam-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-tet-mau-than-1968-dot-2-20240505221758387.htm