Yêu cầu có chứng chỉ hành nghề: Cử nhân sư phạm chỉ là 'bán sản phẩm' nhà giáo?

Một số sinh viên sư phạm có thể không được giảng dạy vì thiếu chứng chỉ hành nghề, cũng phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến góp ý, qua tìm hiểu cho thấy, nhiều vấn đề trong dự thảo cơ bản đáp ứng mong mỏi của hàng triệu giáo viên cả nước.

Tuy nhiên, dự thảo có nội dung sẽ bổ sung thêm giấy chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo còn nhận nhiều băn khoăn của đội ngũ giáo viên, khiến nhiều sinh viên sư phạm lo lắng, liệu có phát sinh thêm “giấy phép con”, liệu có phát sinh thêm thủ tục không cần thiết?...

Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều băn khoăn về lý do của việc có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo

Tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền của nhà giáo như sau: “3. Được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo vị trí việc làm.”

Giấy chứng chỉ hành nghề nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ, như khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải…

Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề chưa thật sự thuyết phục cộng đồng giáo viên cả nước vì trước đây các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ,…đã không chứng minh hiệu quả, làm giáo viên khổ sở. Giáo viên đã tốn rất nhiều thời gian, kinh phí để đạt được nhưng sau đó nhiều chứng chỉ đã được loại bỏ.

Về lý tưởng là giáo viên được cấp chứng chỉ hành nghề miễn phí nhưng với hơn 1,5 triệu giáo viên công lập, chưa kể lực lượng nhà giáo giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, cùng với lực lượng giáo viên công tác ngoài công lập thì con số về chi phí không hề nhỏ. Nhà giáo có thể không tốn kinh phí nhưng ngân sách vẫn phải dành kinh phí để cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên thông qua việc phải lập hội đồng cấp chứng chỉ, thủ tục cấp... còn thầy cô phải thực hiện các loại hồ sơ, thủ tục để được cấp chứng chỉ này.

Theo ghi nhận, hiện nhiều ý kiến không đồng tình việc có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo với những lí do khác nhau. Nhiều thầy cô cho rằng, giáo viên đã được đào tạo từ 3-4 năm ở các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm tùy theo bậc học nên việc Luật hóa việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là không cần thiết, điều này sẽ tạo thêm áp lực không cần thiết cho nhà giáo, nguy cơ tạo ra giấy phép con.

Nhiều thầy cô cho rằng, việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thực tiễn đã chứng minh, giáo viên có kinh nghiệm, bản lĩnh, năng lực, tận tụy, yêu nghề sẽ mang lại thành công, bây giờ có thêm chứng chỉ mà giáo viên thiếu tâm huyết, trách nhiệm thì cũng không làm nên nhà giáo giỏi, tốt được.

Giáo viên đang dạy tốt, được đồng nghiệp, phụ huynh tín nhiệm là điều đáng trân trọng nhất, thêm giấy chứng chỉ hành nghề không làm cho giáo viên "nâng cấp" giá trị của mình.

Cơ quan nào cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, sinh viên sư phạm?

Tại khoản 3 Điều 15 quy định về Chứng chỉ hành nghề được cấp cho các đối tượng nhà giáo như sau:

“a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;

c) Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);

d) Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.”

Có thể hiểu, nếu nhà giáo đang giảng dạy được cấp chứng nhận hành nghề nhà giáo (dự thảo chưa nêu rõ về quy trình, thủ tục, hồ sơ,…).

Còn đối với sinh viên sư phạm thì tại điểm b đã nêu “Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo”.

Tức, sinh viên sau khi trúng tuyển viên chức, sẽ phải trải qua kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề, điều này khiến rất nhiều em sinh viên sư phạm băn khoăn, lo lắng.

Theo dự thảo, việc sát hạch thực hiện tại Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương.

Vì cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo đối với giáo viên mầm non đến trung học phổ thông thuộc Sở giáo dục và Đào tạo theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của dự thảo về thẩm quyền cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:

“2. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên) và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Một sinh viên sư phạm đang học tại trường đại học sư phạm băn khoăn rằng: “Nếu tôi tốt nghiệp đại học loại giỏi, trúng tuyển viên chức nhưng giả sử kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề tôi không đạt thì tôi sẽ không được đi dạy? Trong khi tôi đã học sư phạm chính quy 4 năm, đã thực tập sư phạm,…. Như vậy phải chờ có chứng chỉ hành nghề thì mới nên tham gia thi tuyển/xét tuyển sẽ khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội".

Bên cạnh đó, sinh viên này cũng trăn trở: "Khi sát hạch chứng chỉ nghề nghiệp này không biết có tốn kinh phí không nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ vất vả, hình thức, tốn kém (kinh phí đi lại, hồ sơ, thủ tục,…)

Và, để được sát hạch cấp chứng chỉ, có thể chúng tôi phải trải qua quá trình bồi dưỡng, ôn luyện để vượt qua kỳ sát hạch.

Vậy tại sao, khi chúng tôi học tại trường đại học sư phạm mà không để trường tổ chức, cấp chứng chỉ hành nghề? Không lẽ cử nhân sư phạm chỉ là “bán sản phẩm” nhà giáo".

Không chỉ sinh viên sư phạm đang học mà cả cử nhân sư phạm hiện chưa trúng tuyển viên chức mà chưa có chứng chỉ hành nghề, có thể họ phải trải qua kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề.

Nhiều giáo viên đang công tác cũng lo lắng về việc do lý do chủ quan, sức khỏe,…họ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp thì họ sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, không còn cơ hội được giảng dạy vì dự thảo cũng không quy định người được thu hồi được cấp lại ra sao?

Vì tại điểm a khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo như sau: “Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 (hai) năm liên tục;..”

Một nhà giáo bị đánh giá hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục sẽ chấm dứt hợp đồng theo Luật Viên chức nhưng lại bị thu hồi luôn chứng chỉ hành nghề, khiến họ sẽ khó có cơ hội trở lại bục giảng, dù sau này có nhiều có gắng, khắc phục những hạn chế, bất cập.

Những băn khoăn trên hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cẩn thận, chu đáo về chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, tránh phát sinh thêm “giấy phép con”, phát sinh thêm giấy tờ hình thức, không có nhiều tác dụng đối với đội ngũ nhà giáo.

Tài liệu tham khảo: Dự thảo Luật Nhà giáo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/yeu-cau-co-chung-chi-hanh-nghe-cu-nhan-su-pham-chi-la-ban-san-pham-nha-giao-post242800.gd