Yêu thương còn chưa đủ…
Chỉ còn hơn một tháng nữa, năm học 2023 - 2024 sẽ kết thúc. Dẫu thế, tin tức về những vụ bạo hành trong nhà trường vẫn không ngừng được lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Thật đáng tiếc, không ít vụ bạo lực học đường lại đến từ phía giáo viên.
Đơn cử như ngày 24/4, thông tin khiến nhiều người bức xúc là vụ việc chủ 1 nhóm lớp mầm non tại TP Thủ Đức (TPHCM) đánh, tát rồi ngồi hẳn lên bụng bé trai ngay trước mặt nhiều trẻ khác. Lãnh đạo Phòng GDĐT TP Thủ Đức cho hay, đơn vị đã đề nghị đình chỉ hoạt động nhóm lớp này ngay trong ngày 24/4 cũng như đề nghị các cơ quan quản lý xử lý nghiêm để răn đe.
Trước đó ít ngày, tại một trường phổ thông dân tộc bán trú ở La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái), một bé gái học lớp 1 bị thâm tím 2 mắt do cô giáo dùng thước gõ lên đầu. Theo lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Mù Cang Chải, đây là sự việc rất đáng tiếc. Đơn vị đã yêu cầu lãnh đạo trường phối hợp với các cơ quan chức năng, tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc và xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm. Còn về nguyên nhân bé gái lớp 1 bị thâm tím 2 mắt, cơ quan công an vẫn đang vào cuộc để làm rõ.
Một vụ việc khác, học sinh lớp 1 ở xã Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh - Long An) nghi bị cô giáo đánh sưng mặt, bầm người. Sau khi gia đình học sinh này có ý kiến, nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc, có đại diện Phòng GDĐT huyện Tân Thạnh, lãnh đạo xã Tân Bình. Tại buổi làm việc, nhà trường nhận khuyết điểm và sẽ điều chuyển công tác cô giáo gây ra vụ việc.
Nhiều người chia sẻ, không dám đọc và xem những đoạn clip chỉ vài giây quay lại cảnh bạo lực học đường nói chung, hình ảnh những giáo viên hành hung học sinh, đặc biệt là với lứa tuổi mầm non - những đứa trẻ chưa hề có khả năng tự vệ.
Những hành vi lệch chuẩn, phản sư phạm trong môi trường giáo dục khiến nhiều người vô cùng bất bình. Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân cho rằng, sự hành hạ học sinh của những người thầy cô như vậy sẽ để lại hậu họa lớn, những thay đổi xấu trong tính cách của các em. Sự gây gổ, bạo hành, lấy thế mạnh chèn ép kẻ yếu thế, trong ứng xử sau này cũng xuất phát từ cách làm phản giáo dục trong nhà trường của một số giáo viên.
Những vụ hành hung học sinh đến từ phía người thầy được lý giải bởi rất nhiều nguyên nhân: Do học trò viết chữ xấu, quên không làm bài tập, nói chuyện riêng trong lớp, không chịu ăn, không chịu ngủ…
Đã từng có những đứa trẻ đặt câu hỏi ngược lại, tại sao người lớn không hăng say với công việc thì không bị đánh còn học sinh không thích học thì bị đánh? Dựa vào quyền gì và cơ sở nào để cho rằng trẻ em phạm lỗi thì đáng bị đánh còn người lớn thì không? Những câu hỏi thật khó trả lời! Nhưng rõ ràng khi trách nhiệm, yêu thương và lòng bao dung đủ lớn thì người lớn sẽ bỏ qua những lỗi lầm của con trẻ. Học trò dù nhỏ tuổi cũng đủ để cảm nhận được hành động xuất phát từ tình yêu thương. Hay nói một cách khác, những yêu thương trao đi còn chưa bao giờ là đủ, huống chi là việc tạo những vết thương vào tâm trí non nớt của trẻ.
Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm với với chủ đề năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Các chuyên gia cho rằng, để nâng “chất” của giáo dục đào tạo, rất cần ráo riết một chiến lược đẩy lùi bạo lực học đường - nhìn từ nhiều phía cho những năm học tiếp theo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/yeu-thuong-con-chua-du-10278349.html