10 năm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận, tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, tinh vi ở nhiều cấp nhiều ngành. Cách đây 10 năm, tháng 5/2012, Hội nghị TƯ 5 khóa XI đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên cả nước.

Nhìn lại những bước tiến trong công tác PCTN 10 năm qua, có thể khẳng định, đây là một chủ trương mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của Trung ương trước một vấn đề được coi là nghiêm trọng, 1 trong 4 nguy cơ lớn, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Trên cơ sở thống nhất của Trung ương, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên cả nước.

Chỉ 3 ngày sau khi Bộ Chính trị ký ban hành Quyết định, ngày 4/2/2013, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN gồm 16 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban đã ra mắt và họp phiên thứ nhất. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chính đã tạo cơ sở pháp lý và hiệu lực cao hơn trong việc PCTN. Với bước ngoặt này, các thành viên ban chỉ đạo đứng trước trách nhiệm và sự kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nói 4 chữ liêm, dũng, chính, trực tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Tất cả 16 đồng chí chúng ta ở đây phải là 16 tấm gương giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích và cũng không ngại bất cứ lực cản nào không trong sáng thì mới có thể làm được”.

Trong 10 năm qua, hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử, số lượng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao bị xử lý nhiều hơn bất cứ một giai đoạn nào trước đó. PCTN giờ đây được thực hiện ở diện rộng hơn, đi vào chiều sâu; từ bị động đang dần chuyển sang trạng thái chủ động tấn công, nhất là vào những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ, qua đó củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào công cuộc PCTN của Đảng, cũng như vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

Ông TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao: Chuyển vai trò của Trưởng Ban Chỉ đạo từ Thủ tướng sang Tổng Bí thư để tránh trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thứ 2, Tổng Bí thư vẫn là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, lãnh đạo công cuộc chống “giặc nội xâm” cho nên Tổng Bí thư vẫn là người có quyền lực cao nhất, có bàn tay sạch, bàn tay “sắt” để chống tham nhũng".

120 vụ án với hơn 1.000 bị cáo, trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Đặc biệt có 1 ủy viên Bộ Chính trị, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh, thành ủy, 8 chủ tịch tỉnh, thành phố. Gần 61.000 tỉ đồng được thu hồi, đạt tỉ lệ gần 34,7%.

Ông PHÙNG HUY ĐAN, người dân thành phố Hà Nội:Làm rất bài bản, càng ngày càng có kinh nghiệm cho nên những người dính khuyết điểm cũng phải tâm phục, khẩu phục, thấy đó là sai”.

PGS.TS LÊ VĂN CƯỜNG, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Nay không có hạ cánh an toàn nữa, bởi vì không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả người đương chức, người nghỉ hưu, chúng ta xử lý cả những cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; xử lý cả những tổ chức đã chia tách, đã sáp nhập, đã giải thể”.

Ông NGUYỄN HỒNG TOÁN, người dân thành phố Hà Nội: "Làm đến nơi đến chốn, từ gốc đến ngọn, từ cơ sở đến Trung ương để giải quyết và dập tắt được toàn bộ hành vi tham nhũng".

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, "trên - dưới đồng lòng", “dọc ngang thông suốt”, trong thời gian tới, công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng sẽ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Thực hiện : Bích Liên Vũ Hiếu Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/10-nam-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc