10 phim châu Á là ứng viên nặng ký cho giải Oscar 'Phim quốc tế hay nhất' năm 2022

Oscar lần thứ 94 hiện đã qua thời hạn nhận hồ sơ tranh giải 'Phim quốc tế hay nhất' và năm nay có 27 phim đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Thái Lan,... trong đó nhiều tác phẩm được đánh giá cao.

Rehana (Bangladesh): Bộ phim tâm lý gay cấn của đạo diễn Abdullah Mohammad Saad từng được công chiếu ở hạng mục "Un Certain Regard" tại Liên hoan phim Cannes và giành giải đặc biệt của ban giám khảo. Ngoài ra ở Lễ trao giải Màn ảnh Châu Á Thái Bình Dương, Azmeri Haque Badhon còn nhận giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất".

Cliff Walkers (Trung Quốc): Từ năm 1979, Trung Quốc có 35 tác phẩm tranh giải Oscar “Phim quốc tế hay nhất” nhưng mới có một phim được đề cử hai lần. Năm nay, "Cliff Walkers" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện, trước đó ông từng có hai đề cử đó là "Ju Dou" và "Hero".

Yuni (Indonesia): “Đất nước vạn đảo” chưa từng có giải Oscar nào và năm nay bộ phim của đạo diễn Kamila Andini mang đến nhiều hy vọng khi đã chiến thắng giải "Platform" tại Liên hoan phim quốc tế Toronto. “Yuni” mang thông điệp tập trung vào cuộc đấu tranh của những phụ nữ trẻ để giành quyền kiểm soát cuộc sống của họ trong một xã hội nam quyền.

A hero (Iran): Với một đạo diễn từng mang về đến hai tượng vàng Oscar cho đất nước như Asghar Farhadi, chiến thắng lần thứ ba cùng tác phẩm được đánh giá là tinh tế và chân thành nhất của ông kể từ sau “A Sepilities” sẽ là một thành tích đáng kể. Bộ phim đã giành giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes năm nay.

Drive my car (Nhật Bản): Được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Haruki Murakami, tác phẩm của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi từng giành giải “Kịch bản xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Cannes. Bộ phim dài ba tiếng gồm toàn những cuộc đối thoại có thể khó thuyết phục Viện Hàn lâm nhưng đây cũng là đỉnh cao của nghệ thuật kể chuyện.

Amira (Jordan): Bộ phim đầu tiên về người Palestine do một người Ai Cập làm đạo diễn được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Venice và đã giành được hai giải trong phần "Horizons". Nếu lọt vào đến vòng đề cử thì tác phẩm của đạo diễn Mohamed Diab sẽ là phim Jordan thứ hai làm được điều này kể từ sau "Theeb" năm 2015.

Yellow cat (Kazakhstan): Biên kịch kiêm đạo diễn Adilkhan Yerzhanov là cái tên nổi tiếng tại các Liên hoan phim như Cannes, Venice, Tokyo và San Sebastian. Phim tranh giải Oscar lần này của ông từng được chiếu trong phần "Horizons" của Liên hoan phim Venice. "Yellow cat" là câu chuyện điện ảnh thú vị kết hợp với bối cảnh ngoạn mục của vùng thảo nguyên Kazakhstan.

Escape from Mogadishu (Hàn Quốc): Điện ảnh xứ sở kim chi những năm gần đây đều gây được tiếng vang ở Oscar và tác phẩm tranh giải năm nay tuy mang màu sắc chính trị căng thẳng nhưng thu hút hơn ba triệu người đến rạp trong nước. Dù vậy nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng phim của đạo diễn Ryoo Seung-wan phù hợp với thị hiếu của công chúng hơn là các tiêu chí của Viện Hàn lâm.

The Falls (Đài Loan): Điện ảnh xứ Đài từng có ba lần lọt đề cử Oscar và cả ba phim đều do Lý An thực hiện với một chiến thắng thuộc về “Ngọa hổ tàng long” (2001). Năm nay, bộ phim về đại dịch của đạo diễn Chung Mong-hong, đại diện cho điện ảnh Đài Loan là ứng cử viên sáng giá. “The Falls” từng được công chiếu tại LHP Venice và giành được 4 giải tại Lễ trao giải Kim Mã.

Memoria (Colombia): Tác phẩm của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul, người đã giành giải Cành cọ vàng tại Cannes năm 2010 cho bộ phim "Uncle boonmee who can recall his past lives" đã mạo hiểm nộp hồ sơ cho "Memoria". Với sự tham gia của Tilda Swinton, người từng đoạt giải Oscar, bộ phim nhận được sự chú ý của quốc tế kể từ khi giành được Giải thưởng của Ban giám khảo tại Cannes

Khang Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/10-phim-chau-a-la-ung-vien-nang-ky-cho-giai-oscar-phim-quoc-te-hay-nhat-nam-2022-post172136.html