10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2020

Thế giới năm 2020 bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19, trong khi cạnh tranh siêu cường, xung đột khu vực phức tạp, thiên tai thảm họa gia tăng. Báo Đắk Nông điểm lại 10 sự kiện nổi bật trong năm 2020.

1. Đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng toàn cầu

Đại dịch Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới, khiến khoảng 80 triệu người nhiễm và trên 1,7 triệu người tử vong, đẩy nhiều nước lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế.

Đại dịch tác động sâu rộng tới mọi phương diện của đời sống kinh tế-xã hội, làm thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp của con người, buộc thế giới phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. “Cuộc đua” tìm kiếm và phát triển vắc xin ngừa Covid-19 đã đạt tiến triển đáng kể, một số nước bắt đầu chiến dịch tiêm cho người dân, song đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường khi biến thể của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện ở châu Âu vào những ngày cuối năm.

2. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực được ký kết

Sau 8 năm đàm phán, ngày 15/11/2020, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm hơn 30% dân số thế giới và GDP khoảng 27 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 cùng các nhà lãnh đạo cấp cao chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, sáng 15/11/2020. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 cùng các nhà lãnh đạo cấp cao chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, sáng 15/11/2020. Ảnh tư liệu

RCEP là hiệp định toàn diện và chất lượng cao, mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế thế giới đang suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19.

3. Bầu cử tổng thống Mỹ

Cuộc đua diễn ra khi đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát nhưng gần 160 triệu cử tri Mỹ – một con số kỷ lục từ trước tới nay – đã tham gia bỏ phiếu dưới nhiều hình thức. Với việc giành được hơn 81 triệu phiếu phổ thông và 306 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Cùng với đó, bà Kamala Harris cũng trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của nước này.

 Donald Trump (phải) và Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống. Ảnh tư liệu

Donald Trump (phải) và Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống. Ảnh tư liệu

Những tranh cãi dai dẳng và cuộc chiến pháp lý sau ngày bầu cử 3/11 đã khoét sâu sự chia rẽ, bất đồng trên chính trường và xã hội Mỹ. Quá trình chuyển giao quyền lực không thuận lợi cũng cản trở nỗ lực chống đại dịch trong bối cảnh Mỹ là nước có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.

4. Biểu tình vì công bằng chủng tộc

Căng thẳng sắc tộc âm ỉ ở Mỹ bùng phát thành phong trào biểu tình quy mô lớn sau khi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì chết hồi cuối tháng 5. Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan khắp nước Mỹ, tạo thành phong trào "Black Lives Matter" (Mạng người da màu quan trọng) phản đối bạo lực của cảnh sát và phân biệt chủng tộc tại hơn 150 thành phố.

Tác động của nó còn lan rộng toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn người tại Australia, Anh, Pháp, Đức... xuống đường thể hiện sự đoàn kết với người biểu tình ở Mỹ. Quy mô và mức độ của phong trào được cho là chưa từng thấy suốt nhiều thập kỷ, đưa "Black Lives Matter" trở thành từ khóa thịnh hành thứ hai trên Twitter năm qua, chỉ sau "đại dịch".

5. Israel bình thường hóa quan hệ với 4 quốc gia Arab

Trong vòng 4 tháng, Israel lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với 4 nước Arab gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc, tạo ra một cục diện địa chính trị mới tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, những thỏa thuận này cũng bị chỉ trích là đi ngược lại chính sách của Liên đoàn Arab luôn gắn vấn đề bình thường hóa quan hệ với Israel với việc thành lập Nhà nước Palestine.

Bên cạnh đó, Trung Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn sau vụ Mỹ không kích giết hại tướng chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Iran Qasem Soleimani và vụ tấn công ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh.

6. Tái bùng phát xung đột vũ trang ở Nagorny-Karabakh

Đụng độ quân sự giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh tái bùng phát và leo thang, kéo dài hơn 1 tháng khiến hàng ngàn người thương vong, đe dọa an ninh và ổn định toàn khu vực Kavkaz.

Sau ít nhất 3 thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ, ngày 9/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Nagorny-Karabakh. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh trong khuôn khổ hoạt động gìn giữ hòa bình chung, mở đường để các bên xung đột tìm kiếm giải pháp bền vững cho vấn đề này.

7. Tướng Iran Qassem Soleimani bị hạ sát

Ngày 3/1/2020, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã giết chết Qasem Soleimani, thủ lĩnh Lực lượng Quds của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, ngay sau khi Soleimani đến Baghdad. Iran đã trả đũa trong hai tháng tiếp theo bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, khiến hàng chục lính Mỹ bị thương và nhiều người Iraq thiệt mạng.

8. Anh và EU đạt thỏa thuận lịch sử xác định quan hệ thương mại hậu Brexit

Sau gần 9 tháng đàm phán cam go, ngày 24/12/2020, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận tái định hình quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc ngày 31/12/2020.

Thỏa thuận sẽ tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “chia tay” trong hỗn loạn, bảo đảm dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU. Với thỏa thuận này, hai bên đã chính thức hoàn tất tiến trình Brexit đưa Anh rời khỏi EU sau gần 5 năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

9. Nổ kho hóa chất ở cảng Beirut, Lebanon

Thủ đô Beirut của Lebanon ngày 4/8/2020 rung chuyển sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, khiến gần 200 người chết và khoảng 6.500 người bị thương, gần một nửa thành phố bị san phẳng.

 Hiện trường cảng Beirut sau vụ nổ chiều 4/8

Hiện trường cảng Beirut sau vụ nổ chiều 4/8

Vụ nổ không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất với Lebanon, mà còn khiến chính trường nước này rung chuyển, khi người dân liên tục xuống đường biểu tình cáo buộc chính quyền quản lý yếu kém. Thủ tướng Hassan Diab và nhiều quan chức cấp cao phải từ chức, sau đó bị truy tố về tội sơ suất gây chết người.

10. Giao tranh biên giới giữa Trung Quốc - Ấn Độ

Cuộc chạm trán đầu tiên bắt đầu vào ngày 5/5/2020 khi những người lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tại Pangong Tso, một hồ nước kéo dài từ Ấn Độ đến Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, với LAC đi qua nó. Một video cho thấy những người lính từ cả hai quốc gia tham gia vào các trận đánh đấm và ném đá dọc theo Đường kiểm soát thực tế.

Vào ngày 10/11, một cuộc đụng độ khác đã diễn ra. Truyền thông Ấn Độ cho biết khoảng 72 binh sĩ Ấn Độ đã bị thương trong cuộc đối đầu tại Pangong Tso. Từ Pangong Tso, tình hình căng thẳng lan đến các khu vực biên giới khác của 2 nước ở Sikkim, thung lũng Galwan, đồng bằng Depsang và Đông Ladakh. Sự kiện xung đột thể hiện thái độ chưa từng thấy của Bắc Kinh trong 40 năm qua ở khu vực. Đồng thời, vụ này cũng châm ngọn lửa phẫn nộ với người dân Ấn Độ dẫn đến làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc.

TÒA SOẠN

1,681

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/quoc-te/10-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2020-83913.html