114 người chết do thiên tai từ đầu năm, thời tiết nguy hiểm vẫn còn tiếp diễn

6 tháng đầu năm 2025, thiên tai liên tiếp xảy ra với mức độ khốc liệt, bất thường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở cả Việt Nam và thế giới. Trong khi đó, dự báo từ nay đến cuối năm cho thấy các hiện tượng thời tiết nguy hiểm vẫn tiếp diễn.

Mưa lũ, thiên tai bất thường trong 6 tháng đầu năm

Chiều 24/7, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên cả nước đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Từ đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận 4 cơn bão trên Biển Đông (trong đó có bão số 1 – Wutip và số 3 – Wipha ảnh hưởng trực tiếp đất liền), cùng 14 đợt lũ quét – sạt lở tại 18 tỉnh. Bên cạnh đó là 6 đợt rét đậm – rét hại, 7 đợt nắng nóng diện rộng và nhiều trận mưa lớn cực đoan.

Đợt rét muộn cuối tháng 3 tại Bắc Bộ được đánh giá là mạnh nhất hơn 10 năm qua. Trong mùa khô, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long tuy không vượt kỷ lục nhưng kéo dài và vượt trung bình nhiều năm.

6 tháng đầu năm 2025, thiên tai làm 114 người chết, thiệt hại trên 500 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2025, thiên tai làm 114 người chết, thiệt hại trên 500 tỷ đồng.

Tại Hà Tĩnh, trận mưa cực đoan ngày 24–25/5 ghi nhận lượng mưa kỷ lục: xã Kỳ Giang đạt 601mm, xã Kỳ Hoa có thời điểm mưa 172mm/giờ. Tiếp đó là mưa rất lớn ở vùng Việt Bắc (4–5/6), trạm Bắc Quang (Tuyên Quang) ghi nhận 631mm/2 ngày – mức cực đoan hiếm gặp.

Đặc biệt nghiêm trọng là hoàn lưu bão số 1 từ ngày 11–14/6, gây mưa vượt 800mm tại nhiều nơi miền Trung, trạm Bạch Mã (Huế) đạt 1.203mm – kỷ lục lịch sử tháng 6. Lũ lớn xuất hiện trên các sông Thạch Hãn, Bồ, Kiến Giang vượt mức báo động 3, cao nhất trong 30 năm.

Đợt lũ trên hệ thống sông Thái Bình từ 20–23/6 cũng đạt đỉnh vượt mức lịch sử tháng 6. Trong tháng 6, tại Bắc Bộ và Trung Bộ liên tục xuất hiện các đợt nắng nóng với nhiệt độ phổ biến 35–38°C, có nơi trên 40°C.

Bão số 3 (Wipha) hình thành ngày 19/7, đạt cấp 12, giật cấp 15 khi vào Biển Đông. Khi đổ bộ vào Ninh Bình – Thanh Hóa ngày 22/7, bão gây mưa rất to, nhiều nơi trên 300mm, đe dọa sạt lở và ngập lụt. Mực nước tại trạm Ba Lạt vượt kỷ lục năm 2017.

Chiều 19/7, một trận dông lốc mạnh bất thường đã ập xuống nhiều địa phương Bắc Bộ như Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng..., gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đáng chú ý, tàu du lịch QN7105 đã bị lật khi đang tham quan tuyến 2 trên Vịnh Hạ Long khiến nhiều hành khách thương vong.

Bão số 3 (Wipha) hình thành ngày 19/7, di chuyển nhanh vào Biển Đông và đạt cực đại cấp 12, giật cấp 15 trong ngày 21/7 trước khi suy yếu và đổ bộ vào đất liền Ninh Bình – Thanh Hóa trưa 22/7. Bão gây gió mạnh trên diện rộng vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó Tiên Yên (Quảng Ninh) ghi nhận gió giật cấp 14. Hoàn lưu bão gây mưa rất to, nhiều nơi vượt 300mm chỉ trong 24 giờ, đặc biệt Nga Sơn (Thanh Hóa) 412,6mm, làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Sóng cao 2,5–3,5m và nước dâng 0,5–0,8m xuất hiện tại nhiều trạm ven biển, trong đó trạm Ba Lạt ghi nhận mực nước vượt mức lịch sử năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Mưa bão, thiên tai cuối năm tiếp tục diễn biến phức tạp

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ nay đến cuối năm 2025, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam ở mức tương đương trung bình nhiều năm.

Giai đoạn từ nay đến tháng 10/2025, dự kiến có khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12/2025, có thể xuất hiện thêm 2-3 cơn bão/ATNĐ, trong đó khoảng 1-2 cơn có khả năng đổ bộ vào đất liền.

Từ nửa cuối tháng 7-9/2025, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to kéo dài. Khu vực Trung Bộ cần đặc biệt lưu ý khả năng xuất hiện mưa lớn bất thường trong những thời điểm giao mùa, nhất là các đợt mưa trái mùa hoặc mưa lớn cục bộ. Mùa mưa tại Trung Bộ năm nay dự báo sẽ tập trung nhiều vào các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2025, trùng thời kỳ hoạt động mạnh của bão và áp thấp nhiệt đới cùng với dải thời tiết xấu đi qua Trung Bộ.

Nắng nóng còn có khả năng còn tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung Bộ trong nửa cuối tháng 7 và kéo dài đến tháng 8/2025, tuy nhiên cường độ có xu hướng suy giảm dần từ nay đến tháng 9.

Bước sang cuối năm, không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10/2025 và gia tăng cường độ, tần suất từ tháng 11/2025.

Hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực miền Bắc có khả năng xuất hiện ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (khoảng từ nửa cuối tháng 12/2025). Cần đề phòng khả năng xảy ra sương muối, băng giá ở vùng núi cao khu vực Bắc Bộ.

Để chủ động dự báo, nâng cao năng lực ứng phó Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) theo dõi sát, cập nhật các bản tin dự báo định kỳ và đột xuất về ENSO, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, sạt lở. Các bản tin được công khai và gửi đến các bộ, ngành, địa phương phục vụ ứng phó.

Cục KTTV đã tăng cường trao đổi kỹ thuật với các cơ quan quốc tế như JMA (Nhật), CMA (Trung Quốc), RSMC Tokyo để nhận định chính xác về các cơn bão bất thường như Wutip. Công tác cảnh báo thực hiện 24/7, ứng dụng mô hình tổ hợp, dữ liệu viễn thám để nâng cao chất lượng dự báo.

Từ nay đến cuối năm, ENSO duy trì trạng thái trung tính. Biển Đông dự kiến xuất hiện 8–11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó 3–5 cơn có thể ảnh hưởng đất liền.

Từ cuối tháng 7 đến 9/2025, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ sẽ có mưa vừa – to kéo dài. Trung Bộ cần lưu ý mưa lớn bất thường thời điểm giao mùa. Mùa mưa ở khu vực này tập trung từ tháng 10 đến đầu tháng 12 – trùng thời kỳ hoạt động mạnh của bão.

Lũ trên các sông miền Trung, Bắc Bộ và lưu vực sông Mê Công dự báo ở mức báo động 2–3, có nơi vượt báo động 3. Nắng nóng tại Trung Bộ còn kéo dài đến tháng 8, rét đậm rét hại diện rộng có thể xảy ra từ nửa cuối tháng 12.

Trong thời gian tới, theo dự báo, các đợt mưa lớn cục bộ với cường suất rất lớn (trên 100mm/giờ) còn tiếp tục xảy ra nhiều, gây nguy cơ cao về ngập úng tại vùng trũng, khu đô thị, khu công nghiệp; lũ quét, sạt lở đất tại các sườn núi dốc, khu vực trung du và miền núi. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ quan thường trực phòng chống thiên tai theo dõi sát thông tin dự báo, cảnh báo cập nhật trực tuyến từng giờ tại các địa chỉ:

https://iweather.gov.vn/ - Theo dõi, kiểm tra các đám mây dông ở khu vực của mình, xem dự báo trong khoảng 1 giờ tới các vùng mây dông có phát triển tới khu vực của mình hay không để chủ động lên kế hoạch cho các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/114-nguoi-chet-do-thien-tai-tu-dau-nam-thoi-tiet-nguy-hiem-van-con-tiep-dien-169250724153258787.htm