2023 - Năm đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng trong báo chí

Theo Viện Reuters, năm 2023 là năm đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng ứng dụng trong báo chí.

Báo cáo kỹ thuật số của Viện Reuters chỉ ra rằng, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng thường xuyên trong nhiều tòa soạn. Một số tòa soạn trên thế giới còn sử dụng AI để chuyển thể văn bản thành giọng nói và tạo phụ đề cho video.

AI đã từng bị coi là mối đe dọa đối với nhân sự trong thời đại ngày nay, trong đó có lĩnh vực truyền thông.

Tháng trước, tờ báo Bild bán chạy nhất châu Âu của Đức đã công bố kế hoạch trở thành một công ty truyền thông kỹ thuật số thuần túy. Theo kế hoạch này, tòa soạn của tờ báo Bild sẽ sa thải bớt một số biên tập viên và thay thế bằng AI.

Nhiều tòa soạn đã ứng dụng AI để tạo ra các bản tin video phục vụ độc giả.

Nhiều tòa soạn đã ứng dụng AI để tạo ra các bản tin video phục vụ độc giả.

Đầu năm nay, BuzzFeed - một công ty truyền thông kỹ thuật số của Mỹ cho biết sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để sản xuất nội dung cho khán giả.

Một số hãng truyền thông đã thử nghiệm Artifact hoặc TikTok cho văn bản, cung cấp các bản tin ngắn do AI tạo ra, thông qua app Dall-E chuyển văn bản thành hình ảnh hoặc app United Robots tạo ra văn bản. Trong khi đó, nhiều tòa soạn khác đang đưa vào MC ảo cho bản tin.

Ứng dụng của AI trong các tòa soạn - Điểm mạnh và mặt trái

Mặc dù thực tế là một số nhân lực (như biên tập viên, người hiệu đính, người chỉnh sửa ảnh,...) trong tòa soạn đã mất việc vào tay AI, nhiều nhà báo và học giả tin rằng AI có lợi nhiều hơn là hại.

"Các hệ thống AI hiện nay đang hỗ trợ các nhà báo. Nếu bạn làm việc cùng AI, tôi nghĩ đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm", nhà báo Ishan Kukret chia sẻ. Đây là nhà báo môi trường từng đoạt giải thưởng của Liên đoàn phát thanh truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU) và Diễn đàn Tin tức Toàn cầu năm 2023 ở Sarawak, Malaysia.

Tại một khóa cao học về AI trong tòa soạn, giảng viên Nic Newman (nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu báo chí Reuters, Đại học Oxford) đã thảo luận về rủi ro và cơ hội của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các tòa soạn.

Trong nhiều trường hợp, AI không thể thay thế được con người. Nhà nghiên cứu Nic Newman đã dẫn chứng một biên tập viên tạp chí đã bị sa thải do người này dùng AI tạo ra bài phỏng vấn Michael Schumacher. Bài viết do AI tạo ra hoàn toàn không phù hợp bởi việc trộn lẫn hình ảnh tin tức thật với hình ảnh do AI tạo ra làm mờ đi ranh giới giữa sự thật với "kỹ xảo". Theo chuyên gia Newman, sự can thiệp của AI trong trường hợp này làm "ô nhiễm" hệ sinh thái thông tin.

Điểm mạnh nhất của ứng dụng AI là khả năng tóm tắt bài viết dài chỉ trong tích tắc, do đó tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các nhà báo.

Các công cụ Chatbot như OpenAI ChatGPT, Google's Bard hoặc Character.AI có thể cung cấp các bài viết xuất sắc nhờ tạo ra nội dung từ dữ liệu khổng lồ trên internet.

Tuy nhiên, một nhược điểm của các bài viết do công cụ Chatbot tạo ra là không đảm bảo tính xác thực và tính toàn vẹn trong báo chí. Vì vậy mà nhiều tòa soạn truyền thống rất do dự khi triển khai các công cụ AI để sản xuất tin tức.

Mặc dù vậy, một số cơ quan truyền thông đã tận dụng lợi thế của kỹ thuật số và nhận ra rằng AI giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.

Chẳng hạn như, Eurovision - cuộc thi âm nhạc nổi tiếng toàn châu Âu đã tận dụng AI nhằm gắn kết các nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua âm nhạc. Bộ phận truyền thông của Eurovision đã dùng AI để phiên âm và dịch thuật ra nhiều thứ tiếng nhằm giúp nhiều người có thể tiếp cận với cuộc thi hơn.

Tuy nhiên, những công việc như viết kịch bản thì AI không thể thay thế được, Trưởng phòng tin tức của Eurovision tâm sự.

Theo PGS. Andrew Prahl - Đại học Công nghệ Nanyang, nhờ công nghệ AI giúp tiết kiệm thời gian thu thập và tóm tắt dữ liệu, nhà báo sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những công việc khác. Ví dụ, nhà báo sẽ có nhiều thời gian hơn để cấu trúc thông tin trong bài báo hoặc dành nhiều thời gian hơn cho các bài điều tra, phỏng vấn.

Khi sử dụng công cụ AI, nhà báo cũng cần kiểm chứng lại thông tin bởi AI xử lý bài viết hoàn toàn bằng siêu dữ liệu có sẵn trên internet, đôi khi bao gồm cả thông tin sai lệch, có thể dẫn đến tin tức giả (fake news).

Điều quan trọng là, dù AI mang lại một số lợi ích, nó vẫn không thể thay thế được con người. Các nhà báo và người giám sát biên tập vẫn rất quan trọng trong duy trì tính toàn vẹn của báo chí, xác minh thông tin và duy trì các tiêu chuẩn đạo đức trong báo chí. AI thường được sử dụng như công cụ hỗ trợ và nâng cao hiệu quả công việc cho các nhà báo, thay vì thay thế họ.

LiLy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/2023-nam-dot-pha-cua-tri-tue-nhan-tao-ai-va-ung-dung-trong-bao-chi-169230719162708342.htm